Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung, sinh năm 1951 tại Quảng Ninh. Tuy gia đình thiếu thốn, không có ai theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng Lê Dung sớm bộc lộ năng khiếu, được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện tài năng khi chỉ mới 8 tuổi. Ông cũng chính là người đưa Lê Dung vào Câu lạc bộ Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tới hát tại nhiều sự kiện lớn, nhỏ của thành phố.
Năm 17 tuổi, Lê Dung bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi ghi danh vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Dù đỗ đại học ngành Y nhưng nữ nghệ sĩ không theo học mà quyết tâm theo đuổi sự nghiệp ca hát. Năm 1976, nữ nghệ sĩ về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và có một năm theo học Thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Tới năm 1982, Lê Dung bắt đầu đỗ Thủ khoa và được công chúng yêu nhạc biết tới một cách rộng rãi.
Với chất giọng nữ cao trữ tình đẹp hiếm có và gần như hoàn hảo, NSND Lê Dung chinh phục được nhiều thể loại như opera, bán cổ điển, tiền chiến, nhạc đỏ đến nhạc nhẹ. Các tác phẩm gắn liền với tên tuổi của bà, in sâu vào ký ức của nhiều thế hệ, có thể kể tới như: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi); Trường ca sông Lô (Văn Cao); Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ)... NSND Lê Dung cũng đoạt một số giải thưởng cao quý: Giải Tư cuộc thi quốc tế Những nghệ sĩ hát opera trẻ tổ chức tại Sofia, Bulgaria, Giải Mùa xuân tại Bình Nhưỡng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ)...
Nói về NSND Lê Dung, nhạc sĩ Phú Quang từng nhận định: "Ở Lê Dung hội tụ quá nhiều điểm hoàn hảo: là người phát âm tiếng Việt cực chuẩn, chất giọng đẹp và kỹ thuật tốt. Lê Dung là ca sĩ có học nhất Việt Nam, theo quan điểm của tôi". Trong lịch sử âm nhạc, cũng rất hiếm nghệ sĩ đào tạo bài bản muộn nhưng kỹ thuật vẫn đạt đến độ chuẩn mực như bà.
Năm 1984, ở tuổi 33, Lê Dung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 9 năm sau, ở tuổi 42, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
NSND Lê Dung thể hiện ca khúc "Xa khơi" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. (Clip: NCMTC)
Tuy thành công lừng lẫy trong sự nghiệp với sự đánh giá cao từ giới chuyên môn lẫn công chúng nhưng NSND Lê Dung lại có đời tư đa đoan, gập ghềnh. Bà có một người con trai trong cuộc hôn nhân đầu tiên, nhưng sau đó cả hai sớm chia tay. Năm 1991, nữ ca sĩ tái hôn với nhà thơ Hồng Thanh Quang. Tuy nhiên, mối tình vừa lãng mạn, vừa sâu sắc này cũng đổ vỡ 6 năm sau đó.
Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, nhà thơ Hồng Thanh Quang từng chia sẻ: "Tôi bắt đầu mối tình ấy ai cũng phản đối, cả dư luận xã hội và những người yêu quý mình. Hồi đấy tôi chơi thân với hai người là anh Đăng Bảy (dịch giả lúc ấy đang làm ở báo Văn Nghệ) và anh Quốc Dũng (học ở Cuba về, hồi đấy là người dịch tiếng Tây Ban Nha). Anh Đăng Bẩy kể lại với tôi là khi anh Bẩy nói về việc tôi yêu Lê Dung (và bị nhiều người can ngăn) thì anh Dũng bảo: "Chúng mày buồn cười nhỉ, ngăn cái gì, đời mình chắc gì hạnh phúc hơn mà ngăn nó". Tức là, tôi mới hiểu con người ta, ai cũng thế thôi, trong khi chúng ta sống theo những quy luật đời thường thì trong trái tim chúng ta le lói một điều, biết đâu vẫn có hạnh phúc khác thường. Và khi nhìn thấy một thằng bé là tôi lúc đấy làm rất chân thành, ai cũng muốn may ra nó thành công thì sao.
Tất nhiên cũng như mọi thí nghiệm xã hội cao cả khác, cuối cùng đến lúc nào đó phải quay trở về đời thường. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những bột phát, những dâng hiến, những hứng khởi của thời thanh xuân là vô nghĩa".
Nói về NSND Lê Dung, ca sĩ Ngọc Anh - học trò của bà cũng cho biết, chị nhìn vào cuộc đời nữ nghệ sĩ để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm vào vết xe đổ: "Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe. Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá".
Tháng 1/2001, đúng mùng 6 Tết, NSND Lê Dung qua đời do tai biến mạch máu não. Sự ra đi của bà khiến đồng nghiệp và khán giả không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối. Lễ tang diễn ra tại Nhà tang lễ Quân y viện 108, giọng hát của bà một lần nữa vang lên trong đĩa CD, khiến những người tham dự không khỏi thổn thức và xúc động.
Trong một bài viết, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: "Tiếng hát Lê Dung sẽ còn ở lại, còn xanh vĩnh viễn với thời gian..."