Dân Việt

8 khoản tiền nào của lao động khu vực tư sẽ tăng từ 1/7?

Thùy Anh 08/07/2024 11:13 GMT+7
Cùng với tăng lương cơ sở trong khối công chức, viên chức khu vực công, ở khu vực tư, chính phủ cũng đồng ý tăng lương tối thiểu vùng, mức tăng là 6%. Khi tăng lương tối thiểu vùng, nhiều khoản tiền khác của lao động cũng tăng theo.

8 khoản tiền tăng theo khi tăng lương tối thiểu vùng

Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được Chính phủ quy định cho chủ sử dụng lao động và người lao động lấy làm căn cứ để thỏa thuận mức tiền lương. Lương tối thiểu vùng 2024 được dùng cho người lao động làm việc hợp đồng tại các doanh nghiệp tư nhân, hoặc khu vực hợp tác xã, làm việc tự do...

Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tăng thêm từ 200 nghìn đồng - 280 nghìn đồng đồng tùy vùng. Với mức tăng trên, sau điều chỉnh, lương vùng 1 tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tiền lương tối thiểu vùng theo giờ cũng tăng lên đáng kể. Đối với người lao động, khi tăng lương tối thiểu vùng sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi tăng theo như: Tăng mức lương hằng tháng; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa...

Tăng lương tối thiểu vùng, tăng mức lương hằng tháng

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Tăng lương tối thiểu vùng: 8 khoản tiền nào của lao động khu vực tư sẽ tăng từ 1/7?- Ảnh 1.

Tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng mức lương hàng tháng (với lao động có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng 2024). Ảnh: Tuấn Anh

Tuy nhiên, khi tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7, việc người lao động có được tăng lương hay không thì sẽ tùy từng trường hợp. Theo đó, sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của người lao động đang thấp hơn lương tối thiểu đã tăng, thì công ty cần tăng lên cho phù hợp với quy định mới.

Trường hợp sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, mà lương thỏa thuận trong hợp đồng của người lao động đang bằng, hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đã tăng, thì doanh nghiệp không bắt buộc phải điều chỉnh lại tăng lương. Lúc này người lao động sẽ được tăng lương theo chế độ tăng lương trong hợp đồng lao động hoặc tăng lương theo quy định của công ty.

Tăng lương tối tiểu vùng làm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định hiện hành, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm việc bình thường. Vì vậy, khi lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH cũng sẽ tăng theo.

Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo Luật Việc làm 2013 và Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng là bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng.

Theo quy định này, đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, kể từ ngày 1/7 tới, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa đối với từng vùng như sau: Vùng I là 99,2 triệu đồng; vùng II là 88,2 triệu đồng; vùng III là 77,2 triệu đồng; vùng IV là 69 triệu đồng.

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Căn cứ theo quy định trên, khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, người lao động cũng sẽ được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn khi mất việc.

Tăng lương tối thiểu vùng: 8 khoản tiền nào của lao động khu vực tư sẽ tăng từ 1/7?- Ảnh 2.

Tăng lương tối thiểu vùng cũng làm tăng nhiều khoản tiền khác của người lao động. Ảnh: N.T

Chiếu theo các vùng lương, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động tăng tương ứng như sau: Vùng I tăng lên 24,8 triệu đồng (mức cao nhất trong năm 2024); vùng II là 22,050 triệu đồng; vùng III là 19,3 triệu đồng; vùng IV là 17,25 triệu đồng.

Tăng tiền lương ngừng việc

Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc

Theo quy định hiện hành, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ, thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu, người lao động vẫn sẽ giữ nguyên mức lương theo tiền lương của công việc cũ.

Sau 30 ngày, người lao động sẽ được hưởng tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Do đó, khi tăng lương tối thiểu thì mức tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc cũng sẽ tăng.

Lao động ở một số địa bàn được tăng lương 2 lần

Ngoài việc tăng lương tối thiểu vùng từ 200 nghìn đồng - 280 nghìn đồng đồng tùy vùng, Nghị định 74/2024/NĐ-CP cũng điều chỉnh lại một số địa bàn hưởng lương tối thiểu vùng. Theo đó, Nghị định đã điều chỉnh nhiều vùng ở mức hưởng lương tối thiểu vùng thấp hơn, lên mức hưởng lương tối thiểu vùng cao hơn.

Tuy nhiên, trường hợp người lao động đang có tiền lương cao hơn lương tối thiểu vùng (sau khi đã được nâng vùng) thì chủ sử dụng không bắt buộc phải tăng lương cho họ. Người lao động có được tăng lương tiếp hay không còn tùy thuộc vào quy định nâng lương của doanh nghiệp và sự đàm phán với chủ sử dụng.

Tăng lương tối thiểu vùng làm tăng lương hưu 

Ngoài ra tăng lương tối thiểu vùng cũng làm tăng nền tiền lương đóng BHXH, điều này có lợi cho lao động giúp lao động tăng lương hưu sau này khi về già. Tiền lương hưu của lao động ở khu vực doanh nghiệp được tính dựa trên công thức: Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.