Dân Việt

Hàng nghìn ngọn nến được thắp tại lễ cầu siêu tưởng nhớ các liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên

P.V 08/07/2024 12:41 GMT+7
Tối 7/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang đã tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Hàng nghìn ngọn nến đã được thắp sáng lung linh, sưởi ấm linh hồn những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc, khép lại cuộc đời ở tuổi thanh xuân đẹp nhất.


Đại lễ cầu siêu được tổ chức trang trọng hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), với sự chủ trì của Đại đức Thích Nguyên Toàn, Trưởng Ban trị sự GHPG tỉnh.

Đến dự đại lễ cầu siêu có ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; ông Trần Quang Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; bà Lý Thị Lan, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; bà Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Vị Xuyên. Ngoài ra còn có sự tham gia của hàng ngàn tăng ni Phật tử, người dân và du khách.

Lễ cầu siêu là dịp để các thế hệ hôm nay thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, biết ơn những công lao hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm của đại lễ, các đại biểu và nhân dân đã dâng hương, dâng hoa, dâng đăng tưởng niệm, tri ân.

Hàng nghìn ngọn nến được thắp tại lễ cầu siêu tưởng nhớ các liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thắp hương tưởng nhớ các AHLS. Ảnh: Baohagiang


Ở nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên có hơn 1.800 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể và hơn 340 ngôi mộ chưa xác định được thông tin. Đây là nơi yên nghỉ của những người lính đã ngã xuống rừng xanh biên giới khi bảo vệ tấc đất biên cương. Họ là những người lính đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cách đây hơn 40 năm về trước, đây là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Do địa hình núi cao, thung sâu, ở tuyến biên giới Vị Xuyên ước tính còn hàng nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy để quy tập các anh trở về với đồng đội.

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ: "Đại lễ cầu siêu là hoạt động linh thiêng thể hiện tấm lòng của những người đang sống trong hòa bình; tri ân các anh hùng liệt sĩ- những người đã không tiếc máu xương, thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để cho đất nước kết trái tự do, đơm hoa độc lập, nhân dân sống trong hòa bình, độc lập. Tiếp nối truyền thống cách mạng, kế thừa thành quả của các thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo phần mộ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được quan tâm thực hiện".

Hàng nghìn ngọn nến được thắp tại lễ cầu siêu tưởng nhớ các liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên- Ảnh 2.

Công tác chuẩn bị trước khi tiến hành Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Ảnh: P.V

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ tháng 8/2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 đợt truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ; tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 tổ chức rà phá được hơn 9 ha diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Tỉnh thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công, thân nhân và gia đình người có công các dịp lễ, Tết...

Tại Đại lễ cầu siêu, Ban trị sự GHPG tỉnh, các đơn vị, cá nhân đã trao 50 suất quà cho 50 gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; trao tặng 2 nhà tình nghĩa, 1 công trình phòng học, 1 công trình đường dân sinh cho các hộ, địa phương khó khăn tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì; tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.