Dân Việt

Ném mắm tôm, tạt sơn vào nhà người khác, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Phi Long 09/07/2024 18:42 GMT+7
Theo luật sư, người có hành vi ném chất bẩn, mắm tôm, sơn…vào nhà người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

TAND huyện An Dương (TP. Hải Phòng) vừa mở phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Bùi Anh Đức (SN 2004, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản".

Theo cáo trạng, vào khoảng 14 giờ, ngày 3/8/2023, Bùi Anh Đức thấy tài khoản Facebook "Bach Doan" đăng tin tìm người vận chuyển hàng.


Ném mắm tôm, tạt sơn vào nhà người khác, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?- Ảnh 1.

Bị cáo tại phiên toà sơ thẩm trực tuyến. Ảnh: Báo CL.

Đức liên lạc qua tài khoản này thì được thuê đi tạt sơn vào nhà chị N.T.H.T. (SN 1979, ở tại xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) với giá 300.000 đồng/1 người/1 lần và yêu cầu Đức gọi thêm một người nữa cùng thực hiện. Đức đồng ý.

Trên cơ sở kết quả điều tra, ngày 10/5/2024, VKSND huyện An Dương ban hành cáo trạng truy tố bị cáo Bùi Anh Đức về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời khai và kết quả tranh tụng, HĐXX tuyên phạt Bùi Anh Đức 9 tháng tù về tội danh nêu trên.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, hành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Cụ thể, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu

Như vậy, theo quy định trên, hành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo luật sư Hoàng Anh Sơnhành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Thậm chí, hành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác cũng có thể bị xử lý tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: 

Cụ thể,  người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Ném mắm tôm, tạt sơn vào nhà người khác, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?- Ảnh 2.

Ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?. Ảnh: DV

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho hay, hành vi ném mắm tôm, chất bẩn, tạt sơn vào nhà người khác cũng có thể bị xử lý lý hình sự tội gây rối trật tự công cộng.

Cụ thể, tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau: 

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.