Mặc dù có vaccine bạch hầu nhưng hàng năm vẫn rải rác xuất hiện ổ dịch bạch hầu. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn bạch hầu vẫn tồn tại trong cộng đồng nên những người không tiêm phòng vaccine bạch hầu sẽ dễ bị mắc.
Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, số ca mắc bạch hầu nhiều hơn.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng nhận định, nguy cơ bệnh bạch hầu lây lan ra cộng đồng thực chất không lớn.
Hiện nay, 1 số ca bệnh được phát hiện mang tính chất lẻ tẻ, hầu hết là các đối tượng (đa số trẻ em) chưa được tiêm phòng vaccine bạch hầu khi còn nhỏ.
"Ở những nơi vùng sâu vùng xa, độ bao phủ tiêm chủng thấp sẽ dẫn tới lỗ hổng miễn dịch và do đó bệnh bạch hầu còn lưu hành và khó có thể dập tắt.
Chỉ có những người chưa được tiêm phòng vaccin hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh bạch hầu. Do đó, cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa bệnh bạch hầu và các bệnh khác", PGS Cường nhận định.
PGS Cường cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ.
Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.
Về dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu, PGS Cường cho biết, sau khi ủ bệnh từ 2-5 ngày, ngưởi bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ.
Đặc biệt khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần ra bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng).
Sau có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh.
"Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.", PGS Cường chia sẻ.
Tiêm phòng vaccine bạch hầu thế nào?
Ông Đức cho biết, hiện vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bạch hầu không thiếu. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine có chứa thành bạch hầu đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trường hợp hoãn tiêm, nên tiêm bù sớm nhất có thể.
PGS Cường cũng cho biết, hiện vaccine bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Mũi vaccine 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm 2 mũi, bắt đầu tiêm cho trẻ từ 2-3 tháng tuổi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.
Nếu người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.
Với người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu thì cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.
Người dân tại nơi có ổ dịch cần uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Tình hình dịch bạch hầu ở Việt Nam
Theo Bộ Y tế, trước năm 1980, bệnh bạch hầu là mối đe dọa với hàng nghìn ca mắc và hàng trăm ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 1981, vaccine phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho trẻ nên dịch bạch hầu dần dần được khống chế.
Nếu năm 1983 cả nước có đến 3500 ca thì giai đoạn 2004-2019, mỗi năm chỉ ghi nhận 10-50 ca.
Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch bạch hầu tăng trở lại. Đáng chú ý là ổ dịch tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị khiến gần 230 người mắc vào năm 2020. Bộ Y tế đã phải tổ chức tiêm phòng bạch hầu cho người dân ở vùng này.
Năm 2021, cả nước chỉ còn 6 ca mắc, năm 2022 còn 2 trường hợp mắc. Tuy nhiên, đến năm 2023 lại ghi nhận 57 ca bệnh bạch hầu tại Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, khiến 7 người tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).
Đầu tháng 7, Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn. Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.