Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu là đô thị loại I, mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh khá cao. Hiện tỉnh này có gần 600.000 lao động, trong đó có khoảng 30% lao động làm trong ngành công nghiệp. Việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng 2024 có tác động lớn tới tiền lương của nhóm công nhân, lao động có hợp đồng, lao động tự do trên địa bàn tỉnh.
Theo Điều 2 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu mới dành cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng đối với 3 vùng kinh tế, đây là một trong số ít tỉnh thành áp dụng tới 3 vùng kinh tế khi thực hiện tiền lương tối thiểu. Cụ thể là Vùng I, Vùng II, Vùng III, ban hành kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Cụ thể các vùng như sau:
Danh mục huyện áp dụng mức lương tối thiểu thuộc Vùng I tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ. Mức tiền lương tối thiểu theo tháng là 4.960.000 đồng, lương tối thiểu theo giờ là 23.800 đồng.
Danh mục huyện áp dụng mức lương tối thiểu thuộc Vùng II tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ bao gồm thành phố Bà Rịa Áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng là 4.410.000 đồng, lương tối thiểu theo giờ là 21.200 đồng.
Danh mục huyện áp dụng mức lương tối thiểu thuộc Vùng III tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo: Áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng là 3.860.000 đồng, lương tối thiểu theo giờ là 18.600 đồng.
Như vậy so với trước 30/6, mức lương tối thiểu vùng phân chia theo địa bàn tại bà Rịa – Vũng Tàu không có sự thay đổi. Vẫn áp dụng cho 3 vùng kinh tế.
Nghị định 74 của Chính phủ quy định Mức lương tối thiểu vùng năm 2024 nêu rõ, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản, mức lương tối thiểu là số tiền thấp nhất mà người lao động phải được nhận nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu, chi phí sinh hoạt cơ bản của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp định kỳ đề xuất Chính phủ xem xét, đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng, nhằm đáp ứng đời sống của người lao động.
Người lao động nắm rõ thông tin tiền lương tối thiểu vùng nơi mình sinh sống để làm căn cứ đàm phán, thảo luận tiền lương. Lưu ý thêm, đây chỉ là mức lương tối thiểu vùng, chưa bao gồm 7% tăng thêm cho nhóm lao động có trình độ kỹ năng và tiền lương cho nhóm có thâm niên.
Khảo sát của PV Báo Dân Việt cũng cho thấy đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trả mức tiền lương tối thiểu vùng cao hơn quy định hiện hành (kể từ 1/7).