Dân Việt

Sự thật việc xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc

Nguyễn Đại 14/07/2024 16:26 GMT+7
Các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khẳng định không có việc xây dựng các ngôi mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân nằm trong phạm vi khuôn viên khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc và không có việc xây dựng trái phép trong khu di tích như một số tài khoản mạng xã hội đăng tin.

Liên quan đến những thông tin chưa được kiểm chứng phản ánh trên mạng xã hội về đình Cung Chúc (xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng), ngày 13/7, cơ quan chức năng huyện Vĩnh Bảo và UBND xã Trung Lập đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Sự thật việc xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc- Ảnh 1.

Đình Cung Chúc cổ. Ảnh: CTT ĐT huyện Vĩnh Bảo.

Theo thông tin của UBND huyện Vĩnh Bảo, trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp thành phố. Đình Cung Chúc là di tích được xếp hạng sớm nhất của huyện Vĩnh Bảo. Với những giá trị đặc sắc và nổi bật, đình Cung Chúc đã và đang trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn của huyện và thành phố, trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng xã Trung Lập mà là niềm tự hào chung của huyện Vĩnh Bảo.

Tuy nhiên, ngày 13/7, trên một số tài khoản mạng xã hội, hội nhóm đã đăng thông tin "Rất nghiêm trọng! Xây mộ Phật Thích Ca, Thái Thượng Lão Quân và Khổng Tử trong khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc, xã Trung Lập, Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng". Các bình luận đi kèm thông tin đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh công tác quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, huyện Vĩnh Bảo đã thành lập Đoàn công tác (gồm đại diện Ban Dân vận Huyện uỷ, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Phòng Văn hoá thông tin, Phòng Nội vụ huyện) xuống xác minh, làm việc với Đảng uỷ, UBND xã Trung Lập và đại diện cơ sở thôn 6 Cung Chúc.

Sự thật việc xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc- Ảnh 2.

Đình Cung Chúc hiện nay. Ảnh: CTT ĐT huyện Vĩnh Bảo.

Đoàn công tác của huyện cùng với địa phương trực tiếp kiểm tra hiện trạng di tích. Trong khuôn viên di tích Đình Cung Chúc không có phần mộ nào như mạng xã hội phản ánh. Qua kiểm tra sổ mục kê và bản đồ giải thửa 1995, thì thửa đất số 338, thuộc tờ bản đồ số 3, có diện tích 368m2 của ông Lê Văn Cam đã chuyển nhượng cho con trai là ông Lê Văn Luận và Lê Văn Xô (ông Cam trực tiếp dự buổi làm việc và đã khẳng định, ký tên trong biên bản). Sau đó, ông Lê Văn Luận tiếp tục chuyển nhượng lại phần đất của mình cho bà Trần Thị Thuân - hiện ở nội thành Hải Phòng, bà Trần Thị Thuân đã tự phát xây dựng các ngôi mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng; và khu đất đó không nằm trong khu di tích Đình Cung Chúc. 

Cùng với đó, theo văn bản của Uỷ ban hành chính xã Trung Lập về việc bảo vệ Đình Cung Chúc ngày 16/12/1961 hiện đang được lưu trữ trong Di tích Đình Cung Chúc thì phần đất của gia đình ông Lê Văn Căng (là bố đẻ ông Lê Văn Cam) bây giờ không nằm trong khu di tích.

Sự thật việc xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong khu Di tích Quốc gia Đình Cung Chúc- Ảnh 3.

Văn bản của Uỷ ban hành chính xã Trung Lập về việc bảo vệ Đình Cung Chúc ngày 16/12/1961. Ảnh: CTT ĐT huyện Vĩnh Bảo.

Đoàn công tác đã xác minh việc xây dựng các ngôi mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân hoàn toàn không nằm trong phạm vi khuôn viên di tích Đình Cung Chúc, không có việc xây dựng trái phép trong khu di tích như một số tài khoản mạng xã hội đăng tin. 

Đảng uỷ, UBND xã Trung Lập sẽ sớm làm việc với chủ mới của thửa đất là bà Trần Thị Thuân để làm rõ mục đích của việc xây dựng và có báo cáo cụ thể với lãnh đạo huyện nắm bắt, chỉ đạo.

Về phương diện lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Vĩnh Bảo đã kịp thời xác minh thông tin và nhận thấy việc đăng tin của một số trang mạng xã hội là hoàn toàn không đúng sự thật. Đề nghị người dân cần tỉnh táo, hiểu đúng vấn đề, không lan tỏa, chia sẻ các thông tin chưa chính xác về đình Cung Chúc và công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích của huyện.

Cung Chúc là một làng thuộc xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo. Thời cổ gọi là trang Kính Chúc. Trước năm 1813 là xã Kính Chúc, tổng Viên Lang, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Từ năm 1838 thuộc huyện Vĩnh Bảo. Đời Đồng Khánh đổi Kính Chúc thành Cung Chúc. Trước năm 1945 là xã Cung Chúc, tổng Viên Lang, phủ Vĩnh Bảo trấn Hải Dương.

Đây là một vùng đất cổ, ở đó xưa kia có nhiều công trình kiến trúc đẹp như đình, nghè, chùa, miếu, trong đó nổi tiếng nhất là đình Cung Chúc. Ngôi đình được coi như một bông hoa kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Hải Phòng và cả vùng duyên hải Bắc Bộ.

Đình Cung Chúc nằm ngay đầu làng, bên dòng sông Luộc (Phú Nông Giang), có vị thế rất đẹp, cảnh quan trên bến, dưới thuyền, có cây cổ thụ toả bóng vây quanh tạo vẻ thâm nghiêm, u tịch. Đình thờ 4 vị Thành Hoàng: Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long, Quý Minh, Hải Khẩu Đài Bàng là các vị thần có công với dân với nước.

Đình nổi tiếng với kiến trúc kiểu tứ diện đồng tứ, độc đáo không giống với bất cứ một ngôi đình nào. Mặt bằng tổng thể của di tích khá đẹp, rộng rãi, với diện tích gần 4.000m2. Đình có 25 gian, gồm Đại đình, hậu cung, tả - hữu mạc, làm hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm các hàng cột đỡ các bộ vì liên kết, mộng chốt theo kiểu chồng rường - giá chiêng, chạm khắc hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Ở Đại đình là 4 bộ vì trên 8 cột cái và 8 cột quân. Các bộ vì liên kết với nhau qua hệ thống xà dọc. Tất cả chỉ sử dụng 16 lỗ đục thông qua cột cái. Các kết cấu còn lại liên kết bằng khớp chồng mộng trên các đấu ở các đầu cột, tạo nên ngôi đình bề thế và vững chắc. Hệ thống cửa đình làm bằng gỗ lim theo kiểu thượng song hạ bản, nền lát gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Góc mái là các đầu đao cong vút, bờ nóc đắp nghê gốm. Bộ khung gỗ với các khớp mộng được liên kết dọc ngang và các họa tiết chạm nổi, chạm bong kênh hình tứ linh; các hình hoa lá cách điệu.

Với lối kiến trúc độc đáo và các mảng chạm khắc đẹp, đình Cung Chúc trở nên nổi tiếng và được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa, là một trong số rất ít di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX.