Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất ngày 19/9/1442, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long - tức Nguyễn Phi Khanh - một nho sĩ hay chữ nhưng nghèo và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Mối lương duyên của thân phụ và thân mẫu Nguyễn Trãi là một ngoại lệ đối với những quy định hôn nhân khắt khe của tôn thất nhà Trần. Trần Nghệ Tông đã không cho Nguyễn Phi Khanh làm quan khi ông đỗ Thái học sinh vì ông là kẻ thứ dân mà lấy vợ giàu sang, như vậy là phạm thượng.
Sau khi thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều nhà Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, năm 1442 toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam, ông cũng là danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi đi học tại một nhà ông đồ. Một hôm, tuy đã tan buổi học nhưng trời vẫn còn mưa, tất cả học trò đều không về được. Thấy thế, thầy bèn ra câu đối để học trò làm trong khi chờ tạnh mưa. Câu đối đó như sau: "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách", nghĩa là chẳng có kiềm khóa mà vẫn giữ được khách. Trong số các câu đối lại của học trò chỉ có câu đối của Nguyễn Trãi là hay nhất. Câu đối ấy như sau: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân", nghĩa là nhan sắc đàn bà dù không thấy sóng nổi vẫn đánh đắm được người.
Để hiểu rõ hơn về câu đối, câu chuyện dưới đây sẽ lý giải về điều này. Chuyện kể thêm rằng, vào đời Vua Minh Huệ, Trần Hóa Chiêu ở huyện Tế Hàng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có người vợ là Lương Tiểu Nga rất xinh đẹp. Ở cùng huyện có nhà phú hộ tên là Trát Háo Sắc. Háo Sắc thấy Tiểu Nga đẹp, tìm cách kết bạn với Hóa Chiêu. Lập tâm chiếm cho được vợ bạn, Háo Sắc bỏ ra rất nhiều tiền để giúp bạn trong việc làm ăn hoặc trong những lúc nguy khốn. Qua hai năm, sau khi chiếm được cảm tình của nhà bạn, Háo Sắc rủ Hóa Chiêu ngồi thuyền đi buôn, mọi vốn liếng đều do mình chịu cả. Thuyền đi một tháng đến Hàng Châu, Háo Sắc chúc rượu cho Hóa Chiêu say rồi xô xuống biển. Mấy lần Hóa Chiêu trồi lên đều bị tên phản bạn nhấn xuống cho chìm, cuối cùng chàng phải vùi thây dưới đáy biển.
Khi thấy xác Hóa Chiêu nổi trên mặt nước thì Háo Sắc mới tri hô lên cho bè bạn hay và mượn thuyền đến vớt thây bạn nhưng không được. Háo Sắc cho thuyền trở về, khóc lóc báo tin dữ cho mẹ và vợ Hóa Chiêu biết. Sau đó, Háo Sắc còn bỏ tiền cúng bái và cùng Tiểu Nga để tang. Từ đó, Háo Sắc càng tỏ ra hết lòng lo lắng mọi việc nhà cho vợ bạn khiến mẹ Hóa Chiêu cảm động và ép dâu là Tiểu Nga ưng Háo Sắc làm chồng để đền đáp công ơn giúp đỡ. Hai người ăn ở với nhau ít lâu, nhân vô ý, Háo Sắc để lộ việc mình âm mưu hại bạn. Tiểu Nga đến huyện đường đầu cáo và trả được thù cho chồng cũ. Nhưng nàng nhận thấy vì nhan sắc của mình mà cả hai người chồng đều bị chết, Tiểu Nga thắt cổ tự tử.
Như vậy là nguồn gốc và hoàn cảnh ra đời của câu "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách" đã có một đáp số, là vế ra của vế đối: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân". Hai vế đối này có nghĩa là mưa gió chẳng có kiềm khóa mà vẫn giữ được khách. Nhan sắc đàn bà dù không thấy sóng nổi vẫn đánh đắm được người.
Cứ theo nội dung của giai thoại trên, ngay từ nhỏ Nguyễn Trãi đã sớm thể hiện là người có tài năng xuất chúng đến mức phi thường. Khi trưởng thành, Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở ông có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như vua Lê Thánh Tông truy tặng "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo". Đánh giá những công hiển về nhiều mặt của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển của các giá trị nhân văn của nhân loại, năm 1980 Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận và vinh danh Nguyễn Trãi là Danh nhân Văn hóa thế giới.
Tiếc thay, một người kiệt xuất như vậy cũng là một người đã phải chịu những oan khiên thảm khốc, tới mức hiếm có trong lịch sử. Bởi vì tham vọng quyền lợi và hận thù, đại diện của chế độ phong kiến đương thời, mà cụ thể là Nguyễn Thị Anh - vợ vua Lê Thái Tông, cùng bọn gian thần đã trút lên đầu con người trung nghĩa này phải chịu cái án oan khuất Lệ Chi Viên và giết đi người anh hùng cùng gia quyến vào ngày 16/8 năm Nhâm Tuất (tức ngày 19/9/1442). Mặc dù vậy, nhưng cái oan án ấy chẳng những không xóa mờ mà còn làm sáng mãi cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Trãi trong lòng hậu thế.