Sáng 15/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải trình bày về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của đề án nhằm phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố; giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%. Mục tiêu đến năm 2035, thành phố có 183km đường sắt đô thị.
Trình bày tại kỳ họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, khả năng huy động nguồn vốn của đề án đến từ nguồn thu ngân sách; nguồn huy động từ đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển TOD; nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; nguồn từ vốn đầu tư công của thành phố và huy động từ các nguồn vốn vay.
Nhu cầu vốn để phục vụ đề án từ nay đến năm 2025 là 7.188 tỷ đồng, nguồn vốn này sẽ được lấy từ ngân sách thành phố và nguồn vốn đã được xác định cho tuyến đường sắt đô thị số 2.
Để thực hiện đề án, UBND TP.HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.