15h ngày 19/7, ghi nhận của PV Dân Việt, hàng chục thùng tài liệu được dán niêm phong với kích thước lớn được cảnh sát đưa từ trong nhà bà Nguyễn Thị Như Loan để chở đi. Khoảng 20 cảnh sát liên tục bê nhiều thùng các - tông cỡ lớn đưa lên xe thùng.
Cảnh sát cũng đưa két sắt lên ô tô chở đưa đi. Hiện, nhiều cảnh sát vẫn đang ở đây.
Khoảng 9h cùng ngày, hàng chục cảnh sát cơ động, công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM.
Sau đó, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên, kiểm sát viên... vào bên trong. Ở cổng sau biệt thự cũng có nhiều ôtô biển xanh.
Cơ quan điều tra chưa công bố chi tiết về nội dung làm việc tại nhà bà Loan. Tuy nhiên, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP. HCM.
Trước đó, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị cho là liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý.
Tuy nhiên, hôm 30/5, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) từng khẳng định "đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định".
Theo QCG, năm 2013 họ đàm phán, đặt cọc cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) để nhận 100% vốn tại Phú Việt Tín - chủ đầu tư của dự án. Số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ đồng như một số đơn vị đăng tải thông tin. Đồng thời, QCG khẳng định chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa về việc chuyển nhượng vốn góp này.
Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng thông tin, họ đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín, dự án tại khu đất Bến Vân Đồn "đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng nhận chuyển nhượng". Đầu tháng 9/2014, thương vụ này hoàn tất. Phần vốn này sau đó được QCG nhượng lại tiếp cho một đơn vị khác.
Mới đây nhất, ngày 17/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố với bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự; Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đây là động thái mới nhất khi C03 mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự về việc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan.
9 bị can, gồm các cựu cán bộ từ Tập đoàn và các công ty liên quan, đã bị khởi tố, tạm giam và khám xét. Vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (TP.HCM), nơi đất công đã được chuyển đổi thành đất tư sau khi nhiều lần đổi chủ.
Khu đất ban đầu thuộc quản lý của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa. Năm 2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín được thành lập để đầu tư dự án. Năm 2014, Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền cho giá trị quyền sử dụng đất hơn 186 tỷ đồng, nhưng sau đó vốn góp của hai công ty này đã được bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG).
QCG sau đó đã chuyển nhượng 94% vốn góp tại Phú Việt Tín cho hai công ty khác với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng. Đến năm 2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên, đổi tên thành Nova Phúc Nguyên, và hiện tại khu đất đã trở thành chung cư cao cấp.