Tại mỗi tổ thảo luận, dưới sự chủ trì của các đồng chí Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các đại biểu đã tập trung góp ý về các dự thảo văn bản: (1) Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; (2) Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; (3) Quy định về công tác thi hành kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028; (4) Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
Phát biểu tại tổ thảo luận số 1 do đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Điểm nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trong 6 tháng đầu năm 2024 là đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị; tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định thực hiện Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030.
"Các kế hoạch của Tỉnh ủy, quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhấn mạnh và khẳng định vai trò của Hội Nông dân cũng tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực cho Hội Nông dân tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cũng đang lấy ý kiến các sở, ngành trên địa bàn tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân theo tinh thần Nghị quyết của 37 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân"- bà Tuyết cho biết.
Về các nhóm chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân Trung ương Hội giao, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã triển khai tải, cài đặt sử dụng nền tảng số app Nông dân Việt Nam đến cán bộ Hội các cấp, các chi hội và hội viên nông dân. Hội đã hỗ trợ trên 2.344 hội viên nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 30 sản phẩm; hướng dẫn 74 sản phẩm đăng ký đạt OCOP 3 sao trở lên.
Về việc thành lập các mô hình câu lạc bộ của nông dân, bà Tuyết cho biết: Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã Quyết định thành lập Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh với 44 thành viên tham gia. Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập được 5 CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 2 CLB cấp xã; 3 CLB khoa học kỹ thuật của nhà nông, 19 CLB Nông dân với pháp luật.
"Chúng tôi rất ấn tượng với các mô hình CLB Nông dân tỷ phú của các cấp Hội Nông dân các tỉnh như ở Bến Tre, Cà Mau, Bình Dương… Các mô hình này rất mạnh và hoạt động rất hiệu quả. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tham quan mô hình cho các thành viên CLB. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu, đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hoạt động thực chất, hiệu quả" – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nói.
Ở tổ thảo luận số 2 do đồng chí Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, chia sẻ về những mô hình mới, cách làm hay của Hội, ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi - Đại học Thái Nguyên tổ chức các khóa huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới đối với phụ nữ người dân tộc Mông, đồng thời tổ chức hội thảo, trao đổi giữa Đại sứ quán Canada tại Việt Nam với học viên khóa tập huấn.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đang duy trì lớp học tiếng Anh online miễn phí cho hội viên nông dân phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.
Chi Hội nông dân hạnh phúc là mô hình mới mang dấu ấn của Hội Nông dân tỉnh Yên Bái. 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân Yên Bái đã thành lập được 3 chi Hội. Đến này, toàn tỉnh Yên Bái có 55 Chi Hội nông dân hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân Yên Bái cũng phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 100 tấn phân bón hữu cơ cho nông dân, xây dựng được các mô hình sản xuất, canh tác nông nghiệp hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn. Điển hình như: HTX chè Khe Năm xã Hưng Khánh, HTX Hiệp Phương xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên; HTX dịch vụ tổng hợp Phú Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn.
Về kiến nghị đề xuất, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Giàng A Câu cho biết: Nhóm chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị Trung ương Hội cần rà soát và sớm ký các chương trình phối hợp để có sự thống nhất quan điểm từ các bộ ngành Trung ương đến địa phương phối hợp thực hiện các nhóm chỉ tiêu (nhóm chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện; nhóm chỉ tiêu nông dân có tài khoản trên sàn; chỉ tiêu hội viên nông dân là thành viên HTX...).
Về việc đổi mới công tác truyên truyền, vận động hội viên nông dân, ông Giàng A Câu đề nghị: Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên điện thoại, hay trên các nền tảng mạng xã hội đã len lỏi vào các vùng nông thôn, vùng miền núi. Nhiều nông dân bị lừa đảo qua mạng, gây thiệt hại về kinh tế. Chính vì vậy, trong công tác tuyên truyền Trung ương Hội cần đặc biệt quan tâm đến những nguy cơ, tiềm ẩn liên quan đến an ninh trật tự, quan tâm tuyên truyền việc lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hợi (lừa tiền, lừa làm nhiệm vụ). Người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Về phía Hội Nông dân tỉnh Yên Bái trong chuyên đề tập huấn năm nay Hội đã đặt hàng Công an tỉnh Yên Bái phối hợp tuyên truyền về các chuyên đề này.