Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) được diễn ra từ ngày 25 đến 27/12/2023, hàng chục triệu cán bộ, hội viên đã được đón nhận một "lẵng hoa" đặc biệt chúc mừng từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đồng chí Tổng Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, trực tiếp ký ban hành Nghị quyết số 46, làm tiền đề, cơ sở để Hội Nông dân Việt Nam đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự nghiệp cách mạng nước nhà. Với Nghị quyết này, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã vui mừng bày tỏ, đó là: Nghị quyết lịch sử dành cho Hội Nông dân Việt Nam.
Nghị quyết lịch sử dành cho Hội Nông dân Việt Nam
Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị được kết cấu gôm 4 phần lớn, trong đó: Phần I là về đánh giá tình hình; Phần II là về quan điểm, mục tiêu; Phần III về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phần IV về tổ chức thực hiện. Trong đó, về quan điểm, Nghị quyết khẳng định: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp.
Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, đó là: Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thống nhất từ quan điểm, mục tiêu tổng quát nêu trên, Nghị quyết đã đề ra 7 mục tiêu cụ thể với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đặc biệt, về phần tổ chức thực hiện, Nghị quyết đã đề nghị cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc thực hiện Nghị quyết quan trọng, lịch sử đối với Hội NDVN, giai cấp nông dân Việt Nam.
Nói về Nghị quyết này, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khẳng định, đó là Nghị quyết lịch sử của Hội NDVN. Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, yêu cầu về đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp, vận động quần chúng nhân dân trong giai đoạn này cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Chính vì thế, ngay tại nhiệm kỳ Đại hội VII, BCH Trung ương Hội NDVN đã xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Bộ Chính trị cho ý kiến góp ý. "Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của Hội, tập thể BCH khóa VII đã nỗ lực tập trung trí tuệ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết từ sớm và rất mừng là khi trình lên Bộ Chính trị đã được các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho ý kiến nhất trí cao".
Đồng thời, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng nhấn mạnh: Nghị quyết sẽ là cơ sở để cấp ủy Đảng các tỉnh, thành phố căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa hoạt động của Hội Nông dân sát với thực tiễn địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, làm cơ sở để giúp cho toàn hệ thống Hội Nông dân Việt Nam đổi mới phương thức hoạt động ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Hội NDVN (khóa VIII) sáng 19/7, một lần nữa Chủ tịch Lương Quốc Đoàn dành nhiều thời gian đến chia sẻ vê ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 46 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Theo đó, đồng chí Lương Quốc Đoàn khẳng định: Điểm nhấn với tổ chức Hội Nông dân chúng ta là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát cơ sở, gần gũi hội viên nông dân; kịp thời tham mưu quán triệt, học tập, triển khai thực hiện nghiêm túc và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028; Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị và Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030; cụ thể hóa nội dung vào nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn hoạt động ở các cấp Hội.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phấn khởi cho biết: "Tôi hết sức vui mừng khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành riêng một Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Phải khẳng định đây là Nghị quyết lịch sử của Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp Nông dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Triều cho biết, trong công cuộc đổi mới đất nước, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam và hội viên, nông dân Việt Nam được đón nhận và thực hiện nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thể hiện đường lối, quan điểm đúng đắn đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp, định hướng cho tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam.
Từ Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Kết luận 61 về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020".
Và đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký đã tạo khí thế, phấn khởi thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống Hội và giai cấp nông dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Triều phấn khởi nói: "Tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Hội Nông dân Việt Nam sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ để các cấp Hội tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Giai cấp nông dân, thông qua tổ chức của mình là Hội Nông dân Việt Nam, tiếp tục phát huy quyền làm chủ, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền, là cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước".
Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao trọng trách cho Hội Nông dân Việt Nam
Nói về hoàn cảnh ra đời, cũng như ý nghĩa của Nghị quyết 46, TS. Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn khẳng định: "Có thể nói Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho tổ chức Hội, cho đổi mới của chính bản thân Hội. Điều này cũng một lần nữa khẳng định sự tin tưởng, giao trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước với Hội Nông dân Việt Nam.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Nghị quyết được đưa ra đúng thời điểm nền kinh tế của chúng ta đang có định hướng mới về cơ cấu kinh tế, về mô hình tăng trưởng, cho nên vai trò của các tầng lớp trong xã hội, nhất là vai trò của nông nghiệp – nông dân – nông thôn càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, trong bài phát biểu chỉ đạo Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vai trò của người nông dân hiện nay khi khẳng định: Nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về Nghị quyết 46, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Nghị quyết 46 có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực để động viên, khích lệ phong trào nông dân, là món quà đặc biệt của Bộ Chính trị gửi tặng tới Hội Nông dân và giai cấp nông dân, là lời khẳng định của Đảng, Nhà nước về vị trí vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hưng, có thể thấy, các quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã được ghi nhận ở nhiều văn kiện của Đảng nhưng để có được một văn kiện chuyên đề về việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới thì đây là lần đầu tiên. Lần đầu tiên có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về tổ chức Hội, chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến giai cấp nông dân, Hội Nông dân.
Cũng theo ông Hưng, Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, chủ thể nông dân đã được Nghị quyết 19 ghi rất rõ: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn".
Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị cũng là để cụ thể hóa hơn nữa những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về Hội Nông dân, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân.
Hầu như các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, hội viên nông dân cả nước đều khẳng định, Nghị quyết 46 là một Nghị quyết lịch sử, mang tính bước ngoặt đối với Hội NDVN, giai cấp nông dân Việt Nam. Nghị quyết là cơ sơ, nền tảng vững chắc để những người nông dân Việt Nam vươn lên làm giàu, có cuộc sống ấm no, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước ngày càng văn minh, thịnh vượng.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành những tình cảm, sự quan tâm chân thành dành cho những người nông dân. Với 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư (khóa XI, XII, XIII), ông đã lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ra nhiều quyết sách để tạo động lực cho lĩnh vực "tam nông" phát triển. Trong đó, lần đầu tiên Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021-2026) đã đưa ra mục tiêu về: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua các Nghị quyết 18 về đất đai; Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể. Và đến ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 3 Nghị quyết quan trọng này.
Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những quyết sách, cơ sở vô giá để sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp cách mạng đầy vẻ vang của dân tộc, mà như Tổng Bí thư đã dẫn lời Bác Hồ trong bài phát biểu tại Đại hội VIII Hội NDVN, đó là: Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh; Nông dân ta giàu thì nước ta giàu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn của hàng chục triệu cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Tổng Bí thư mất đi nhưng những quyết sách mà đồng chí để lại cho sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ còn mãi với thời gian.