Mấy ngày qua, trên khắp các diễn đàn chợ online, cái tên đậu phụ Na Sầm Lạng Sơn đang gây "sốt", hàng trăm đơn hàng từ các chị em, phụ nữ ở Hà Nội, các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, thậm chí ở TP.HCM cũng muốn đặt mua sỉ chuyển vào.
Chia sẻ về điều này, chị Hoa, trú tại TP.Lạng Sơn, Lạng Sơn, chuyên bán đậu phụ Na Sầm và các đặc sản Lạng Sơn cho biết, món đậu phụ này là món ăn quen thuộc nhà chị đã làm 20 năm nay, và thật không ngờ thời gian gần đây trở thành hot trên mạng xã hội.
Đậu phụ Na Sầm vốn được biết đến là món ăn truyền thống nhiều đời nay của người dân thị trấn Na Sầm. Với những bí quyết riêng trong chế biến và bảo quản, đậu Na Sầm luôn giữ được hương vị truyền thống riêng có.
Đậu phụ Na Sầm với hương vị nhẹ nhàng, thanh đạm nhưng thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng, rất hợp trong ngày hè nắng nóng. Đậu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, dù ăn sống hay chiên đều rất thơm ngon, hấp dẫn, giữ nguyên được hương vị tự nhiên của đỗ tương.
Theo chị Hoa, kể từ khi đậu phụ Na Sầm trở nên hot trên mạng xã hội, mỗi ngày chị nhận được hàng trăm đơn inbox đặt mua đậu, rất nhiều đơn từ Sài Gòn hỏi mua sỉ, dù rất vui nhưng chị đành phải từ chối bởi đậu Na Sầm chỉ sản xuất và ăn trong ngày, không thể vận chuyển đi xa. Thậm chí ngay tại Hà Nội, nhiều đơn hàng đặt mua trong ngày chiều muộn hoặc qua đêm chị cũng đều phải từ chối.
Được biết đậu Na Sầm được sản xuất tại các thôn Thâm Mè (xã Hoàng Việt), thôn Lũng Vài (xã Trùng Quán),… nhưng tập trung chủ yếu và nổi tiếng hơn cả là ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2019 theo thống kê từ UBND huyện Văn Lãng, có 40 hộ dân sản xuất đậu phụ, tuy nhiên đến nay số lượng các hộ làm đậu đã tăng lên.
Đậu phụ là một trong những nguồn thực phẩm phổ biến và quen thuộc đối với các gia đình Việt Nam, chứa đựng hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhưng từ lâu, nghề làm đậu phụ đã trở thành nghề truyền thống của bà con huyện Văn Lãng. Những bí quyết riêng trong chế biến và bảo quản đã làm nên hương vị riêng có cho đậu Na Sầm.
Theo một người làm đậu hơn 20 năm tại thị trấn Na Sầm, không ai còn nhớ chính xác đậu phụ Na Sầm ra đời từ bao giờ nhưng hằng ngày, nhưng gia đình bà đã có mấy chục năm theo nghề của bố mẹ để lại.
Và để có một mẻ đậu ngon trước tiên phải chọn loại đỗ tương ngon, hạt đẹp, không bị lép, nước để làm đậu phải là nguồn nước trong mát của Na Sầm.
Sau khi ngâm đỗ 1-2 tiếng sẽ cho vào máy xay thành bột và máy lọc vắt lấy nước. Công đoạn tiếp theo sẽ đổ hỗn hợp vào xoong đun sôi và pha chế tới khi nước đậu kết tủa thành váng.
Khi tiến hành nén đậu thì phải nén thật cứng chia làm 2 lần để khi chế biến đậu không bị nát, sau đó, người làm sẽ đặt vào khuôn gói thành từng cái đậu. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian bởi phải gói 2 lần mới ra thành phẩm là miếng đậu vuông vắn, đẹp mắt. Lúc nén đậu cũng cần kinh nghiệm sao cho nén chắc tay để miếng đậu không bị nát. Điều đặc biệt nữa đó là, đậu phụ Na Sầm Lạng Sơn được làm theo phương pháp truyền thống không sử dụng máy móc.
Theo người dân Na Sầm, đậu phụ ở đây có hương vị rất thanh mát đặc trưng, ăn sống vừa thơm, mềm hay chiên lên bên ngoài giòn rụm, bên trong mềm mịn béo ngậy, rất hấp dẫn và giữ được hương thơm tự nhiên của đỗ tương. Điều đặc biệt, đậu Na Sầm không sử dụng thạch cao mà dùng nước lá chua để lấy độ cứng nhưng cũng vì thế mà đậu phụ Na Sầm Lạng Sơn không thể để lâu, vận chuyển xa được.
Chị Hằng trú tại quận Đống Đa, Hà Nội đã đặt mua thành công trên một fanpage chuyên bán đậu phụ Na Sầm Lạng Sơn chia sẻ, chị rất thích ăn đậu phụ, thông thường chị hay mua đậu phụ Mơ tại chợ Mơ, tuy nhiên mấy ngày nay thấy bạn bè xôn xao bàn tán về đậu phụ Na Sầm Lạng Sơn ăn ngon, không có phụ gia, chị tìm hiểu các trang chợ online và đặt mua 10 miếng.
"Để thưởng thức đầy đủ tôi đã chia một nửa ăn sống, một nửa chiên giòn. Và quả thực thấy sự khác biệt của đậu Na Sầm với đậu phụ Mơ. Đậu phụ Na Sầm có vị thơm, mềm và ngậy rất tự nhiên. Khi thưởng thức ăn một chỉ muốn ăn hai, ba miếng mà không cảm thấy ngấy", chị Hằng cho hay.