"Tôi là người nhẹ nhàng, nhút nhát, nhưng sẽ bật chế độ quái thú khi lên sàn đấu", Tau nói trên trang chủ Olympics. "Tôi chuyển đổi như vậy khi thi taekwondo. Và khi không thi đấu, tôi lại trở nên nhút nhát. Tất cả chúng ta có rất nhiều tính cách, là những sinh vật khác nhau và chỉ cần khám phá xem mình là ai".
Tại vòng loại châu Phi 2024 ở Dakar, Tau giành HC bạc hạng flyweight (dưới 49kg) qua đó, đoạt vé đi Paris và tự tin có thể trở thành VĐV đầu tiên của dân tộc Mosotho đoạt huy chương Olympic. "Chưa ai làm được điều đó, nhưng tôi đang thử thách bản thân để làm nên lịch sử. Tôi tận tâm và sẽ làm hết sức", cô nói.
Tau xuất thân từ gia đình có truyền thống taekwondo và lớn lên trong một phòng tập môn võ xuất xứ Hàn Quốc này. Cha cô, ông John Molise Tau, huyền thoại taekwondo quốc gia, đã qua đời khi Tay còn nhỏ. Nhưng cô lớn lên với niềm ngưỡng mộ những huy chương của người cha quá cố.
"Mẹ tôi lên tuyển quốc gia cùng bố", Tau nói với phóng viên Olympic từ nơi tập luyện ở Alcobendas, ngoại ô Madrid Tây Ban Nha, trước khi lên đường sang Paris. "Bố tôi như người hùng quốc gia khi từng dự giải vô địch Đại hội Thể thao châu Phi. Ông ấy từng đoạt huy chương Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới".
Tau muốn nối nghiệp cha mẹ khi theo đuổi taekwondo - môn thể thao đối kháng, hoàn toàn trái ngược với niềm đam mê khác của cô - làm người mẫu. Tau từng đăng quang Hoa hậu Gương mặt đại diện Lesotho rồi đại diện quốc gia dự cuộc thi Gương mặt sắc đẹp quốc tế 2017 ở New Delhi, Ấn Độ.
"Việc tôi theo đuổi nghề người mẫu và sau đó là taekwondo khiến nhiều người bối rối", VĐV sinh năm 1997 kể. "Khi tôi còn nhỏ và theo học taekwondo, rất nhiều người nghĩ đây không phải môn thể thao dành cho con gái, mà dành cho con trai. Họ nói với tôi rằng 'khi làm người mẫu, tôi trang điểm, làm tóc, đi giày cao gót, đi bộ, trông rất mềm mại, đĩnh đạc, rất điềm tĩnh. Rồi lên sàn đấu tập taekwondo, họ nói tôi mạnh mẽ, và hỏi làm thế nào để tôi cân bằng cả hai?".
Tau đáp rằng phụ nữ cũng có thể rất mạnh mẽ. "Khi bước lên sàn đấu, tôi là con người khác so với ngoài đời", cô nói tiếp. "Tôi rất nữ tính nhưng cũng rất mạnh mẽ. Giống như phụ nữ cũng có thể mạnh mẽ. Phụ nữ cũng có thể làm những việc khó khăn và phụ nữ cũng có thể chiến đấu".
Tau là phụ nữ văn võ song toàn, khi sớm thể hiện khả năng thể thao phi thường, thống trị các giải taekwondo địa phương và khu vực ở hạng dưới 46kg nữ. Nhưng cô chưa từng giành HC vàng khi thi đấu quốc tế.
VĐV Lesotho từng giành hai HC bạc hạng cân dưới 46kg tại Đại hội thể thao châu Phi ở Rabat Morocco 2019, ba HC đồng tại Đại hội thể thao châu Phi Acra, Ghana 2023. Cô còn giành sáu HC đồng qua hai lần dự giải vô địch taekwondo châu Phi 2021, 2023.
"Tôi vô địch nhiều giải nên thường nghĩ mình đang ở đỉnh cao phong độ. Rồi tôi đi thi đấu quốc tế", Tau nói, đôi mắt mở to với vẻ hoang mang. "Và tôi nhận ra mình đang tụt lại rất xa. Thật sự rất khó cạnh tranh ở cấp độ quốc tế".
"Tau là VĐV có tiềm năng", HLV Hugo Tortosa - người bắt đầu làm việc với Tau từ 2023 - cho biết. "Vấn đề là Tau không có HLV hoặc không có nơi tập luyện tốt. Cô ấy phải chuyển đi nơi khác để tập luyện". Tau nói thêm: "Lần đầu tiên nhận sự hướng dẫn của HLV, tôi được ở trong môi trường tập luyện ổn định và ông ấy giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn".
Tortosa, sinh ra tại Alcobendas, Madrid, Tây Ban Nha, cũng sinh ra trong gia đình có truyền thống về taekwondo. Bố của ông, Jesus Tortotsa Alameda là bậc thầy taekwondo, từng giành HC bạc thế giới và anh trai Jesus Cabrera Tortosa - VĐV Olympic và nhà vô địch trẻ thế giới.
Tau rời thủ đô Maseru của Lesotho, nơi nổi tiếng với những dãy núi ngoạn mục như một người mơ mộng, và sẽ trở về nhà với tư cách khác - một VĐV từng dự Olympic. "Khi tôi đi ngủ sau vòng loại châu Phi, tôi đã bị sốc. Tôi luôn có cảm giác như mình sắp thức dậy và mọi thứ chỉ là giấc mơ. Cho đến khi tôi cảm thấy điều đó là sự thật", Tau. "Chỉ cần tham dự Thế vận hội và được đứng trên tấm thảm đó có nghĩa là mọi thứ đều có thể xảy ra. Điều đó có nghĩa là tôi chỉ là một cô gái đến từ Châu Phi, tôi đến từ Lesotho và hôm nay tôi sẽ có mặt trên thảm Olympic, không phải ai cũng có thể đạt được điều đó".
Vùng cao nguyên của Lesotho đã biến đất nước này thành trung tâm của các VĐV điền kinh cự ly dài- những người cũng chiếm phần lớn trong số VĐV Olympic của quốc gia. Tau dự kiến trở thành một trong bốn VĐV taekwondo người Basotho thi đấu tại Thế vận hội và là VĐV nữ thứ ba đủ điều kiện. Điều thú vị là họ đều đủ tiêu chuẩn ở cùng một hạng cân - hạng flyweight.
Likeleli Alinah Thamae là người đầu tiên khi góp mặt tại Sydney 2000. Nhưng kể từ Lineo Mochesane tại Athens 2004, không VĐV taekwondo nữ nào từ quốc gia vùng Nam Phi này dự Thế vận hội, cho đến khi Tau góp mặt tại Paris năm nay.
Tại Paris, Lesotho - quốc gia chưa từng giành huy chương Olympic - sẽ có ba VĐV đại diện. "Điều này khiến tôi cảm thấy rất đặc biệt", Tau tự hào. "Tôi là một trong số ít người đại diện cho quốc gia dự Thế vận hội, vì chúng tôi chưa bao giờ có nhiều, chẳng hạn như mười VĐV đủ điều kiện tham dự Thế vận hội. Thường chỉ có một hoặc hai người, và chủ yếu là điền kinh".
Kỳ tích này đến từ việc Tau quyết tâm hoàn thành lộ trình thể thao mà bố mẹ và HLV vạch ra. "Một trong những điều thúc đẩy tôi rất nhiều là khi mọi người nói với tôi đã thay đổi cuộc sống của họ đến mức nào, họ ngưỡng mộ tôi đến mức nào", VĐV 27 tuổi nói. "Đó là lý do tại sao tôi muốn trở thành người đầu tiên mang huy chương về cho quốc gia".
"Với tôi, đó cũng như giấc mơ vậy", Tortosa nói thêm. "Tham dự Thế vận hội là giấc mơ cả khi làm VĐV hay HLV. Tau, như hầu hết VĐV châu Phi, đang hướng tới những huy chương tại Thế vận hội, vì họ xứng đáng. Họ bắt đầu tập luyện trong điều kiện, cơ sở vật chất không tốt và họ có ý chí để làm nên lịch sử".