Cuối thời Đông Hán, Trung Hoa rơi vào cảnh loạn lạc, các thế lực quân phiệt cát cứ, giao tranh ác liệt. Nổi lên trong số các thế lực thời bấy giờ là Tào Tháo ở Duyện Châu.
Tào Tháo là người đầu tiên giương cao ngọn cờ diệt trừ Đổng Trác. Dựa vào chiến lược phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu, Tào Tháo dần trở thành thế lực lớn mạnh nhất, thu hút được vô số người tài gia nhập.
Các mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo phải kể đến Quách Gia, Tuân Úc, Giả Hủ, Tuân Du. Các danh tướng hàng đầu phải kể đến ngũ tử lương tướng, gồm Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng.
Trương Liêu và Từ Hoảng là hai võ tướng Tào Ngụy lập chiến công lớn nhất, được xem là cánh tay phải của Tào Tháo. Trương Liêu chỉ cần 7.000 quân đánh bại đại quân của Tôn Quyền ở Hợp Phì. Từ Hoảng có công đánh bại Quan Vũ trong trận Phàn Thành.
Tào Tháo cũng đối đãi hết mực với Quan Vũ, luôn tìm cách thu phục nhưng cuối cùng đành để Quan Vũ quay về với Lưu Bị. Dù không có được sự phục vụ của Quan Vũ, Tào Tháo vẫn muốn đối đãi tốt để thể hiện thành ý.
Theo đánh giá trên trang mạng Trung Quốc Zhihu, Quan Vũ, Trương Liêu đều là tướng tài được Tào Tháo hết mực trọng dụng, nhưng có 3 võ tướng khác được xếp vào hàng "không thể thay thế" của Tào Tháo.
Người đầu tiên được trang mạng Zhihu nhắc đến là Văn Sính. Nhắc đến Văn Sính, nhiều người nghĩ ngay đến Lưu Bị.
Văn Sính vốn là tướng dưới trướng Lưu Biểu, mà Lưu Bị từng có giai đoạn nương nhờ Lưu Biểu, nên Văn Sính với Lưu Bị biết nhau rất rõ.
Sau khi Lưu Biểu mắc bệnh qua đời, con là Lưu Tông lên kế vị. Tào Tháo nhân cơ hội này đem quân đi đánh Kinh châu, buộc Lưu Tông dâng thành.
Văn Sính khi đó muốn đầu quân cho Lưu Bị, nhưng vì không thấy Lưu Bị có động thái gì nên quay sang theo phe Tào Tháo.
Văn Sính đến doanh trại của quân Tào quy hàng, được Tào Tháo đối đãi rất tốt, khiến Văn Sính không hối hận với quyết định của bản thân.
Sau khi thất bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo liền sai Văn Sính đến đóng quân ở Kinh Châu.
Tào Tháo vốn chỉ muốn kéo dài thời gian trong thế cục khó khăn, nhưng không ngờ rằng, Văn Sính không chỉ nhiều lần đánh lui thế tiến công của Quan Vũ mà còn đốt được chiến thuyền của Quan Vũ. Về sau, trong trận chiến với Tôn Quyền ở Giang Hạ, Văn Sính còn đánh bại Tôn Quyền.
Giang Hạ là vùng đất quân Ngô nhũng nhiễu nhiều năm, bất ổn rối ren. Văn Sính trấn thủ Giang Hạ mấy chục năm, khiến phe Đông Ngô nể sợ, không làm cách nào công phá được.
Điều này cho thấy Văn Sính không phụ lòng Tào Tháo, là võ tướng xếp vào hàng được Tào Tháo nể trọng nhất, không thể thay thế, theo Zhihu.
Võ tướng không thể thay thế với Tào Tháo, theo quan điểm của Zhihu là Mãn Sủng. Ngay từ khi Tào Tháo đưa Hán Hiến Đế tới Hứa Xương, Mãn Sủng đã được trọng dụng.
Ở thời điểm đó, Mãn Sủng được giao cai quản Hứa Xương, chịu trách nhiệm quản trị, giám sát việc thực thi luật pháp, không tham gia chỉ huy quân đội.
Sau thất bại ở đại chiến Xích Bích, Tào Tháo buộc phải gác lại chiến dịch miền nam, rút về Nghiệp Thành. Mãn Sủng khi đó bắt đầu dấn thân sang quân sự, được giao trấn giữ thành Đương Dương ở tiền tuyến.
Trong trận Phàn Thành năm 219, Mãn Sủng cùng Tào Nhân trấn giữ thành trước đợt tiến công của Quan Vũ. Có ý kiến khi đó cho rằng, quân Ngụy nên rút lui trước khi Quan Vũ tới.
Nhưng Mãn Sủng khuyên Tào Nhân không nên rút quân, chỉ ra rằng lũ lụt chỉ là tạm thời và sẽ không kéo dài lâu. Mãn Sủng cũng lưu ý đến việc quân tiên phong của Quan Vũ tuy đã tiến sát, nhưng trọng binh thì chưa tới, do lo ngại quân Ngô đánh úp từ đằng sau.
Ở thời điểm nguy cấp, Mãn Sủng đã chứng minh năng lực, góp phần không nhỏ giúp quân Ngụy đánh bại Quan Vũ.
Dưới thời Tào Duệ, Mãn Sủng là tướng tiên phong, được giao trấn giữ vùng biên ải giáp Đông Ngô, lập được không ít công trạng.
Trong trận Hợp Phì năm 234, Tôn Quyền thống lĩnh 10 vạn quân tấn công. Mãn Sủng là người nghĩ ra kế tẩm dầu vào cành cây, lợi dụng gió để thiêu rụi xe công thành của quân Ngô, khiến cháu của Tôn Quyền là Tôn Tài bỏ mạng. Tôn Quyền cuối cùng phải rút lui.
Theo Zhihui, Mãn Sủng là một trong những nhân vật hiếm hoi thời Tam Quốc vừa là võ tướng, vừa là mưu sĩ. Việc Mãn Sủng liên tiếp lập công trạng ở vùng biên ải, cho thấy Tào Tào đã không nhìn lầm người.
Người thứ ba mà Zhihui nhắc đến là Điền Dự, một trong những danh tướng mà Lưu Bị đánh mất vào tay Tào Tháo. Điền Dự không được La Quán Trung nhắc đến trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, dù có nhiều công lao với nhà Tào Ngụy.
Ông vốn là bộ tướng cùng chinh chiến với Lưu Bị. Tuy nhiên, do chiến tuyến cách xa quê nhà, Điền Dự không thể tiếp tục đi theo Lưu Bị mà xin về quê chăm sóc mẹ già. Làm tròn chữ "hiếu", Điền Dự đầu quân cho Công Tôn Toản.
Lúc Công Tôn Toản bị Viên Thiệu đánh bại và buộc phải tự sát, Điền Dự phân tích thế cục đương thời, cho rằng "người cuối cùng định được thiên hạ tất là họ Tào".
Tào Tháo rất coi trọng Điền Dự, để ông đảm nhận những công việc quan trọng trong phủ Thừa Tướng, sau lĩnh ấn trấn thủ biên cương giúp nhà Ngụy chống lại người Hồ.
Điền Dự cùng con trai Tào Tháo là Tào Chương, thống lĩnh đại quân nghênh chiến người Hồ ở phía bắc. Điền Dự nghĩ ra kế lập thế trận vòng tròn, đặt cung nỏ dày đặc ở trong trận, làm nghi binh để che giấu chỗ yếu. Quân người Hồ đánh không lại, thua chạy tan tác. Vùng biên ải phía bắc kể từ đó được bình yên.
Điền Dự sau chuyển làm Thái thú Nam Dương, dẹp yên loạn lạc, cảm hóa nhóm cướp lên tới mấy ngàn người, được Tào Tháo hết lời khen ngợi. Điền Dự là võ tướng duy nhất của Tào Ngụy được trọng dụng qua 4 đời họ Tào (Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương).
Theo Zhihui, Văn Sính, Mãn Sủng, Điền Dự đều là các võ tướng lập công trạng, góp phần ổn định vùng biên ải. 3 nhân vật này có thể không phải là người giỏi nhất dưới trướng Tào Tháo, nhưng đóng vai trò không thể thay thế giúp Tào Ngụy hùng mạnh nhất thời Tam Quốc.