Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư).
Đặc biệt, ông đã có hai lần được triều đình cử đi sứ Trung Quốc. Trong cả hai chuyến đi này, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Và sau hai lần tiếp xúc, hoàng đế nhà Nguyên đã cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi rồi phong cho ông là "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước) và chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến thủy Khâm ninh Văn Hoàng đế.
Trong lịch sử bang giao giữa các triều đại phong kiến Việt Nam và phong kiến Trung Quốc đã có không ít những câu chuyện đối đáp nảy lửa của sứ thần Việt Nam ở triều đình Trung Quốc. Dưới đây xin kể lại câu chuyện của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần trong lần làm chánh sứ sang nhà Nguyên. Trong sách "Các ông trạng Việt Nam" của Vũ Ngọc Khánh có đoạn ghi lại rằng:
Trong chuyến đi sứ nhà Nguyên lần thứ nhất vào năm 1308, một lần Mạc Đĩnh Chi đến nhà viên thừa tướng triều Nguyên chơi. Nhân trong lúc gặp gỡ, viên thừa tướng nọ ra một vế đối:
- "An khử nữ dĩ thỉ vi gia. Nghĩa đen của vế đối này là ở chỗ chữ An bỏ bộ Nữ và thêm bộ Thỉ vào thành chữ Gia, nhưng nghĩa bóng của nó là ý nước Nguyên nhất quyết muốn xóa bỏ nước An Nam để nhập thành châu huyện của họ.
Ngay lúc đó, Mạc Đĩnh Chi đối lại rất sắc bén rằng:
- "Tù xuất nhân, lập vương thành quốc". Nghĩa đen của vế đáp là ở chữ Tù bỏ đi chữ Nhân, thêm chữ Vương vào thành chữ Quốc. Nghĩa bóng của câu này là dân nước Đại Việt nhất định xóa bỏ ách áp bức của các thế lực xâm lược để xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ.
Trong cuốn sách các sứ thần Việt Nam cũng có nêu câu chuyện về vế đối khác của Mạc Đĩnh Chi với hoàng đế nhà Nguyên. Sách này viết rằng ngay trong ngày đầu vào bệ kiến, hoàng đế nhà Nguyên muốn đích thân thử tài Mạc Đĩnh Chi và nhân thể dò khí tiết của ông nên ra câu đối:
- "Nhật hỏa vân yên bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ". Nghĩa của vế đối này là mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.
Biết hoàng đế nhà Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính và ngay lúc đó, Mạc Đĩnh Chi thấy cần phải tỏ rõ thái độ của mình. Hơn thế, phải khẳng định nước Đại Việt ở thế thắng nên ứng khẩu đọc vế đối rằng:
- "Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô". Câu này có nghĩa là trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.
Vế đối rất chỉnh mà cũng đầy khí phách của kẻ vừa chiến thắng 3 lần liền khiến hoàng đế nhà Nguyên rất đau đớn nhưng cũng không làm sao được đành phục tài viên sứ thần Đại Việt.
Giai thoại về chuyện Mạc Đĩnh Chi đi sứ còn rất nhiều, trong đó ngoài những lần thể hiện tài thơ văn ứng đối ra thì còn một lần ông đánh bại người chơi cờ tướng giỏi nhất Trung Quốc. Chuyện xưa kể lại rằng, cũng trong chuyến đi sứ này, Mạc Đĩnh Chi đã thắng cờ một người tự nhận là "Trạng cờ" của Trung Quốc ngày ấy và khiến người kia từ đó phải hạ tấm biển tự xưng "Trạng cờ" xuống. Thắng lợi này tuy chỉ là chuyện cá nhân nhưng qua đó cũng góp phần nâng cao thể diện quốc gia của Đại Việt.
Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước đã chứng minh, dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển là nhờ biết giành thắng lợi về mọi mặt trong xây dựng cuộc sống và trong quan hệ quốc tế, từ thắng lợi chính trị, thắng lợi quân sự đến thắng lợi trong giao lưu kinh tế và đặc biệt nữa là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Và trong lịch sử bang giao giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với các triều đại phong kiến ở phương Bắc kéo dài hàng ngàn năm, trong đó có những cuộc chiến và những năm chung sống hòa bình xen kẽ nhưng tổ tiên ta vẫn luôn thể hiện rõ bản lĩnh của một dân tộc độc lập, tự chủ. Và ngoại giao là một mặt trận đấu tranh quyết liệt mà sứ thần Đại Việt hay bị làm khó dễ, bị thử thách nhưng vẫn thường giành thắng lợi.
Ngày nay, phát huy truyền thống dân tộc, ngành ngoại giao nước ta đã và đang tận dụng được di sản quý báu của tổ tiên, giành được khá nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể là có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Và người xứng đáng để hậu thế tôn vinh với danh hiệu Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là nhà ngoại giao, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Bởi tài năng và đức độ của Trạng nguyên họ Mạc, đặc biệt là cống hiến to lớn về mặt ngoại giao và văn hóa của cụ với đất nước, dân tộc.