Trước những lo lắng của thí sinh về điểm chuẩn đại học năm 2024, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho hay: "Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh đại học chính quy 7.650 chỉ tiêu cho 52 ngành/chương trình đào tạo. Như vậy, so với năm 2023, trường đã tăng 150 chỉ tiêu và phân bổ cho ngành mở mới, tuyển sinh riêng.
Hai ngành/chương trình đào tạo mới của trường là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc (mô hình liên kết 2+2). Ngành An toàn thông tin có nhu cầu nhiều trong thời gian vừa qua ở Việt Nam và cả thế giới. Trong khi đó, nguồn nhân lực đào tạo mỗi năm không nhiều.
Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được quan tâm hiện nay do đầu tư thương mại 2 chiều giữa các nước lớn, cần nguồn nhân lực biên phiên dịch và quản lý. Chương trình 2 + 2 có nhiều lợi thế giúp sinh viên học 2 năm tại Trường và 2 năm tại Trung Quốc đào tạo nhân lực chất lượng cao".
Về điểm chuẩn, trường dành 65% chỉ tiêu thông qua phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Qua công bố điểm thi ngày 17/7, phổ điểm A00, A01, D01 là 3 tổ hợp chủ yếu xét các ngành, tổ hợp như ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất chế biến, Du lịch khách sạn… tăng lên. Với điểm thi, chỉ tiêu tăng nhẹ như vậy, dự kiến điểm chuẩn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về cơ bản ổn định tùy từng ngành, từng lĩnh vực nhưng ngành hot cũng sẽ tăng nhẹ. Những ngành uy tín và mang thương hiệu nhà trường như Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật ô tô, Cơ điện tử, Điều khiển tự động hóa, Khoa học máy tính, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, sẽ cố gắng công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 19/8 để thí sinh yên tâm. Năm 2023, điểm chuẩn của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dao động 19-25,52 điểm, cao nhất ở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Các ngành có đầu vào thấp nhất là Công nghệ kỹ thuật môi trường, Năng lượng tái tạo, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, cùng lấy 19 điểm. Các ngành còn lại hầu hết trên 20 điểm.
Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng, tuy nhiên, trong giai đoạn này, một số thí sinh vẫn lo lắng không biết chọn ngành nào và không biết mình phù hợp với ngành nào. TS Sơn cho rằng: "Đây là trách nhiệm của trường THPT, trường đại học, gia đình và người học trong việc định hướng nghề nghiệp. Các em cần đánh giá năng lực bản thân, sở trường, sở thích, tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè, gia đình.
Ngoài ra, hiện nay, nắm bắt được nhu cầu thí sinh cần tìm hiểu về trường, về ngành học nên nhà trường tổ chức tư vấn tuyển sinh. Nếu còn băn khoăn điều gì các em hãy gọi điện để được thầy cô chuyên môn tư vấn sâu.
Khi đăng ký nguyện vọng, các em hãy đặt cho mình nguyện vọng yêu thích nhất và có thể cao hơn điểm thi để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu trượt nguyện vọng cao, các em vẫn còn cơ hội xét nguyện vọng thấp hơn.
Ví dụ thí sinh được 24 điểm thì nên đăng ký vào ngành có điểm chuẩn khoảng 25-26 điểm. Sau đó ngành yêu thích này nhưng ở trường khác. Các em không nên đăng ký vào nguyện vọng cao ở ngành mình chắc chắn trúng tuyển mà không mong muốn bởi các em không còn cơ hội cho nguyện vọng sau".
Với băn khoăn của thí sinh về việc nếu chọn ngành học sai thì phải làm thế nào, TS Sơn chia sẻ: "Năm thứ nhất là học phần học nhập môn để hiểu mục tiêu đào tạo, vị trí việc làm, kỹ năng cần có để học tập. Sau 1 năm nếu các em thấy không phù hợp thì vẫn có cơ hội đăng ký ngành/chương trình phù hợp hơn nhưng vẫn đảm bảo điều kiện điểm thi bằng hoặc cao hơn ngành mình chuyển đến và chương trình đó còn chỉ tiêu. Ngoài ra trường cho học 2 chương trình, đào tạo từ xa như một số ngành ngôn ngữ. Thí sinh cùng lúc có thể học song bằng ngành yêu thích và rút ngắn thời gian học tập".