Tết ở làng Địa Ngục được coi là một trong những hiện tượng của màn ảnh Việt năm 2023. Bộ phim dài 12 tập, xoay quanh ngôi làng miền núi phía Bắc, nơi cư ngụ của hậu duệ băng cướp khét tiếng từng hoành hành ở truông nhà Hồ. Bộ phim từng đứng thứ nhất bảng xếp hạng Netflix Việt Nam khi vượt qua nhiều "bom tấn" đình đám của nước ngoài. Dân Việt đã trò chuyện với Đào Diệu Loan, biên kịch của bộ phim Tết ở làng Địa Ngục về thực trạng điện ảnh Việt thiếu kịch bản hay hiện nay.
Hình ảnh trong phim Tết ở làng Địa Ngục. Nguồn: Netflix
Năm ngoái, Tết ở làng Địa Ngục là một trong những bộ phim ăn khách và nhận được sự đón nhận của khán giả, chị có dự đoán trước được điều này hay không?
- Tết ở làng Địa Ngục là một dự án được chuẩn bị kỹ càng ngay từ những ngày đầu. Ê-kíp đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này và cuốn tiểu thuyết gốc cũng là một tác phẩm có lượng fan đông đảo, nên từ đầu tôi đã rất tin tưởng vào thành công của phim.
Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giả vẫn lớn hơn rất nhiều so với tôi mường tượng, đặc biệt là từ nhóm khán giả chưa từng đọc qua tác phẩm văn học trước đó. Tôi rất vui vì một số thay đổi so với nguyên tác đã nhận được phản hồi tích cực từ người xem.
Khó khăn nhất của chị khi đảm nhận biên kịch cho một dự án dài hơi như vậy là gì?
- Khó khăn lớn nhất đương nhiên là vì nó… dài hơi. Bên cạnh đó, tôi được đạo diễn và nhà sản xuất tin tưởng đủ nhiều để có thể một mình viết ra kịch bản mà không cần sự trợ giúp từ ai. Điều này giúp tôi thoả sức sáng tạo và tôi tin tác phẩm được viết bởi một tác giả sẽ có ít nhiều dấu ấn riêng của họ. Với Tết ở làng Địa ngục cũng vậy, những tình tiết được thay đổi so với truyện gốc mang rất nhiều hình bóng của tôi.
Đi đôi với việc được tự do vẫy vùng là trách nhiệm lớn. Tôi phải đảm bảo một câu chuyện hấp dẫn, mạch lạc và đủ dữ liệu để cả ê-kíp theo đó mà vận hành. Tôi nghĩ trách nhiệm là điều khó khăn nhất khi tham gia một dự án dài hơi.
Đạo diễn có phải là người ảnh hưởng tới tư duy và góc nhìn của biên kịch không?
- Thường thì không, trừ khi đạo diễn có những yêu cầu nhất định với câu chuyện mà họ đặt hàng một nhà biên kịch viết. Tôi nghĩ đã qua cái thời kỳ mà đạo diễn áp đặt biên kịch rồi. Giờ đây các đạo diễn và nhà sản xuất hầu hết rất tôn trọng người viết kịch bản bởi họ ý thức được tầm quan trọng của một kịch bản. Giống như xây một ngôi nhà, có kiên cố hay không đều phụ thuộc vào móng nhà.
Tôi may mắn được làm việc với những đạo diễn rất tôn trọng góc nhìn và tư duy của mình như anh Trần Hữu Tấn hay anh Bảo Nhân.
Hiện nay, hiện trạng thiếu kịch bản tại Việt Nam vẫn luôn tồn tại và gây nên nhiều khó khăn. Theo chị lý do tại sao cho chúng ta khó thể có được kịch bản hay?
- Tôi cho rằng kịch bản thì không thiếu, chỉ thiếu kịch bản hay. Một phần có lẽ do thời kỳ này chúng ta đang bị rơi vào áp lực vô hình là phải sản xuất phim liên tục nên số lượng kịch bản thì nhiều, thời gian dành cho mỗi dự án như vậy lại không đủ.
Các nhà làm phim hiện đại được học hành bài bản những công thức từ Hollywood, nhưng dường như nếu quá ỉ lại vào công thức để làm cho nhanh thì kết quả sẽ không được như họ kỳ vọng, bởi sản phẩm ra đời là những bộ phim na ná nhau.
Cá nhân tôi cho rằng, dù là biên kịch hay đạo diễn, phàm là nghệ sĩ, nếu sáng tác liên tục trong thời gian ngắn sẽ không thể không trở nên nhàm chán. Có chăng chúng ta nên chậm rãi lại một chút, chiêm nghiệm nhiều hơn để ra đời những tác phẩm đặc sắc hơn.
Là một người từng học qua trường lớp chính quy, chị thấy việc giảng dạy biên kịch trước có khác gì so với bây giờ?
- Thời điểm tôi được đào tạo biên kịch, bên ngoài gần như không có những khoá học ngắn hạn về biên kịch nói riêng và làm phim nói chung. Giờ đây mọi người đều có thể bắt gặp những lớp học biên kịch do một cá nhân giảng dạy.
Tôi nghĩ điều đó rất tiện cho một người nào đó trải nghiệm kiến thức về biên kịch. Tuy nhiên, đối với tôi, công việc này không chỉ phải học vài năm mà còn cần học và trau dồi liên tục. Tôi chỉ mong rằng các bạn trẻ hơn sẽ không quá phụ thuộc vào vài buổi học ngắn ngủi.
Nghề biên kịch có phải là nghề dễ kiếm sống hiện giờ, các biên kịch có phải làm nghề khác để mưu sinh?
- Câu hỏi này có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau. Tôi không muốn coi biên kịch là nghề kiếm sống, bởi khi đặt lên nó áp lực kiếm tiền thì rất có thể bạn sẽ đánh mất đi sự độc bản của chính mình. Bởi "cơm áo không đùa với khách thơ".
Tôi không dám nhận mình độc đáo, nhưng tôi lựa chọn "lấy ngắn nuôi dài", có thể làm thêm một số công việc khác để mỗi khi bước vào một dự án tôi sẽ không quá bị áp lực bởi vấn đề kinh tế. Với tôi, đó là tiền đề để được tự do sáng tạo.
Theo đánh giá chủ quan của chị, để đào tạo ra các biên kịch giỏi, chúng ta cần làm điều gì?
- Với tôi thì lượng kiến thức về kịch bản thực tế không nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể tự học qua sách vở. Điều cần thiết ở một biên kịch, tôi tin là một góc nhìn riêng biệt, một vốn sống phong phú và một tâm hồn thiện lành.
Thiếu một trong những thứ đó thì chắc chắn không thể có một tác phẩm nghệ thuật chạm được đến khán giả. Cá nhân tôi khi ngồi trên ghế nhà trường cũng được bồi đắp rất nhiều về cách nhìn cuộc sống và tình yêu với điện ảnh. Tôi nghĩ đó là những điều kiện tiên quyết với nghề biên kịch.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin!