Nguyễn Thị Ngọc Lan là một trong 27 thủ khoa ngành trong đợt tốt nghiệp lần thứ 2 năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH). Nữ sinh quê Quảng Ninh là sinh viên chuyên ban Châu Âu học, ngành Quốc tế học, khoa Quốc tế học.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam , báo Tiền Phong , Ngọc Lan cho biết: “Mình thấy rất vui, vinh dự và tự hào khi bố mẹ mình cùng lên sân khấu nhận bằng cử nhân với mình và được nhà trường tri ân trong lễ tốt nghiệp”.
Thời sinh viên, nhờ sự khuyến khích từ các giảng viên và được tạo môi trường thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, cô gái sinh năm 2002 đã sớm tham gia hoạt động này. Lan từng đạt giải Nhất (năm 2023), giải Nhì (năm 2021) cấp trường tại cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên.
Trước đó, đề tài “Chiến lược ‘nước Anh toàn cầu’ của Vương quốc Anh (2016-2022)” của Lan, do PGS.TS Bùi Hồng Hạnh hướng dẫn, đã được chọn là đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên trọng điểm của VNU-USSH năm học 2022 - 2023 và được đánh giá đạt loại xuất sắc sau quá trình nghiệm thu.
Suốt quá trình học tập, Lan luôn cố gắng đi học đầy đủ, lắng nghe và ghi chú nhanh những quan điểm hay, thú vị và mới lạ của giảng viên. Học khối ngành khoa học xã hội, Lan đặc biệt chú ý đến các chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của giảng viên, để vận dụng làm các câu hỏi khó hoặc tìm ý tưởng cho bài luận cuối kỳ.
Lan từng là lớp phó học tập của lớp K65 Quốc tế học (hệ chuẩn) và nhiều học kỳ nhận học bổng khuyến khích học tập. Cô là Sinh viên 5 tốt cấp thành phố, Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở và hai lần được nhận bằng khen của hiệu trưởng VNU-USSH với thành tích sinh viên có điểm học tập cao nhất khoá.
Nữ sinh cho rằng, dù là môn học đại cương hay chuyên ngành ở đại học đều có những sự liên kết nhất định. Kiến thức của môn học này có thể dùng để ghi nhớ, liên hệ hoặc là góc nhìn đa chiều cho nội dung của môn học khác. Do đó, việc tạo được sự liên kết giữa các môn học giúp nữ sinh ôn tập hiệu quả hơn mỗi mùa thi.
Lan tâm sự, giống như nhiều sinh viên VNU-USSH khác, cô cũng từng rất vất vả với lượng kiến thức sâu rộng ở các môn học đại cương và hồi hộp mỗi lần chờ điểm thi. Còn đối với các môn chuyên ngành, môn Nhập môn Quan hệ quốc tế và môn Nghiệp vụ công tác đối ngoại là hai môn để lại nhiều dấu ấn.
Theo Lan, Nhập môn Quan hệ quốc tế vốn được biết đến là môn học chuyên ngành với nhiều lý thuyết trừu tượng, nhưng thông qua cách truyền đạt với nhiều ví dụ minh họa sống động, theo sát tình hình thời sự thế giới của giảng viên, cô và các bạn đều thấy môn học trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều.
Còn trong học phần Nghiệp vụ công tác đối ngoại, Lan có dịp được hiểu rõ hơn về các nghi lễ đối ngoại, những hoạt động ngoại giao mà trước đó chỉ được thấy trên TV. Môn học này cũng dạy cho những bạn trẻ như Lan sự kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Năm thứ tư, Lan lựa chọn chuyên ban Châu Âu học bởi muốn hiểu hơn về lục địa già, cũng như bị thu hút bởi các hoạt động sôi nổi, ấm cúng mỗi dịp Giáng sinh dành riêng cho sinh viên của chuyên ban. Do đó, cô đã chọn và bảo vệ thành công đề tài khóa luận tốt nghiệp về quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh.
Là sinh viên chuyên ban Châu Âu học, lĩnh vực mà Lan quan tâm và tập trung tìm hiểu là các quốc gia khu vực châu Âu và thành viên của Liên minh châu Âu EU. Các môn học trong chuyên ban đã giúp cô có thêm tri thức về các đặc trưng chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa của các quốc gia kể trên.
Lan là tác giả của bài báo “Chiến lược ‘nước Anh toàn cầu' của Vương quốc Anh và tác động của nó đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (2016-2022)” được đăng trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu và bài báo ”Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Vương quốc Anh” được đăng trên Tạp chí Cộng sản.
Cùng với lĩnh vực học thuật, Lan là thành viên của nhóm dự án từng đạt giải Dự án tiềm năng nhất (The Best Project for Incubation) tại Vòng Chung kết cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mekong - Youth Innovation Competition on Lancang-Mekong Region’s Governance 2023 (YICMG 2023) được tổ chức tại Đại học Thanh Hải, Trung Quốc.
Tận dụng hiểu biết và khả năng ngoại ngữ, giao tiếp của sinh viên ngành Quốc tế học, Lan từng là thành viên ban Đối ngoại của Hội Sinh viên VNU-USSH, làm việc tại ban Truyền thông - Đối ngoại một số dự án sinh viên và tổ chức phi chính phủ.
“Sau bốn năm thanh xuân, mình cảm thấy tự tin vì đã được tiếp cận những kiến thức mới, mở rộng góc nhìn của bản thân và có cơ hội được phát triển bản thân về học thuật lẫn kỹ năng xã hội”, Lan khẳng định.