Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am là tác phẩm kinh điển của Trung Quốc khi xây dựng thành công hình tượng 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Họ là những hảo hán trong thiên hạ, mỗi người mang trong mình một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, người được xem là giàu có và có xuất thân cao quý nhất chính là "Tiểu Toàn Phong" Sài Tiến - vị anh hùng xếp ở vị trí 10/108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Được biết, Sài Tiến vốn là hậu duệ của Hoàng đế thứ hai nhà Hậu Chu – Chu Thế Tông Sài Vinh 921 – 959), vị hoàng đế được lịch sử ngợi ca là đệ nhất minh quân thời Ngũ Đại Thập Quốc. Gia đình Sài Tiến khi đó chính là đệ nhất phú gia ở Thương Châu (Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay). Ông được miêu tả là có gương mặt vuông vức, mắt sáng như mắt Phượng, chân mày cong như chân mày Rồng. Đặc biệt, ở Sài Tiến toát lên cốt cách quyền quý, đúng chuẩn con nhà hoàng tộc.
Chính nhờ xuất thân cao quý nên Sài Tiến cũng có được nhiều đặc quyền, trong đó phải kể đến "bảo bối" Đan Thư Thiết Khoán - tờ giấy viền lụa nhuộm màu vàng óng, đường vân rồng thêu chìm tỉ mỉ, bên trong có dấu ấn đỏ được đóng từ ngọc tỷ của Hoàng đế. Đây được xem như "kim bài miễn tử" của gia tộc họ Sài, dù phạm tội nặng đến đâu cũng không bị xử tử. Ngay cả các đời hoàng đế về sau cũng không thể đụng đến người trong Sài gia.
Giàu có, cao quý nhưng điểm quý nhất ở Sài Tiến chính là sự hào phóng và trượng nghĩa. Nhiều lần Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang gặp nạn đều được Sài Tiến ra tay giúp đỡ. Ngay cả Đan Thư Khiết Đan, Sài Tiến cũng không ngần ngại mang ra để cứu các anh hùng Lương Sơn khỏi sự truy sát của quan binh.
Sau khi bị Ân Thiên Tích (họ hàng với Cao Cầu) gây rối và được các anh hùng Lương Sơn Bạc giải cứu thì Sài Tiến đã quyết định gia nhập nghĩa quân với vị trí Đầu lĩnh, tổng quản kho lương, tiền bạc cho nghĩa quân. Dù giỏi dùng thương nhưng biệt tài đặc sắc nhất của ông chính là nội ứng. Sài Tiến từng trà trộn vào quân của Phương Lạp, khiến tướng địch coi trọng, phong làm lãnh chúa và gả cả con gái cho.
Nhờ có Sài Tiến nên nghĩa quân của Tống Giang mới công phá thành công cứ điểm của Phương Lạp. Tuy nhiên sau này, Sài Tiến quyết định rời nghĩa quân, vờ cáo bệnh xin về quê ở Thương Châu, sống nhàn nhã, ẩn dật cho đến khi qua đời.