Phụ cấp thâm niên nhà giáo là một trong những chế độ phụ cấp để tính hưởng quyền lợi của giáo viên giúp giáo viên thêm gắn bó với nghề. Sau thời gian xôn xao vì bị bỏ phụ cấp thâm niên, nhiều giáo viên vui mừng khi mức lương không bị giảm mà còn tăng thêm 30% mức lương cơ sở.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về bảng lương mới giáo viên từ ngày 1/7/2024, cô Hồ Thị Xuân Thu, giáo viên Trường THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bày tỏ: "Trước đây khi nghe tin cải cách tiền lương sẽ không còn phụ cấp thâm niên nữa, tôi hụt hẫng khi sẽ bị mất 19% (tương ứng 19 năm công tác theo biên chế nhà nước). Như vậy đồng nghĩa với việc lương tôi bị giảm đi chứ không giữ nguyên hay tăng được".
Cô Thu cho biết thêm: "Khi có quyết định về bảng lương mới giáo viên từ ngày 1/7/2024, tôi rất vui. Thêm 30% thu nhập, giáo viên chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn. Tôi chỉ mong hàng hóa thiết yếu không bị tăng lên sau khi tăng lương, nếu không thì chất lượng cuộc sống sẽ không thay đổi. Cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Công đoàn, các Sở ban ngành đã quan tâm đến đời sống của người lao động".
Có thâm niên hơn 30 năm đứng bục giảng, cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên THCS ở Hà Nội cho biết vô cùng vui mừng khi vẫn giữ phụ cấp thâm niên nghề giáo.
"Ngày mới ra trường tôi gặp bao nhiêu khó khăn, trở ngại vì đồng lương ít ỏi. Nhưng vì tình yêu nghề tôi vẫn kiên quyết theo nghề. Tôi cho rằng, với những công sức của tuổi trẻ, những giáo viên như chúng tôi càng xứng đáng nhận về khoản phụ cấp thâm niên. Mỗi tháng tôi có thêm 3,2 triệu phụ cấp thâm niên, đây là số tiền khá lớn với tôi", cô Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc trả lương theo vị trí việc làm lại phù hợp hơn cả so với cách tính lương hiện tại. Như vậy mới tránh được tình trạng sức ỳ của giáo viên lâu năm và tạo động lực cho giáo viên mới ra trường gắn bó với nghề.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Như vậy, bảng lương mới giáo viên từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng thêm khoảng 30%.
Công thức tính tiền lương giáo viên: Mức lương = Mức lương cơ sở x hệ số lương + phụ cấp + thâm niên (nếu có)
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Công thức tính tiền phụ cấp thâm niên được tính theo công thức sau:
Tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức + hệ số phụ cấp chức danh lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng X Mức lương cơ sở X Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.
Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và một số ngành, nghề khác (nếu có).
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Những thời gian dưới đây sẽ không được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Cụ thể gồm:
Thời gian tập sự.
Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.
Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Thời gian không làm việc khác.
Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.