Cảm xúc của anh thế nào khi con trai anh – nghệ sĩ SOOBIN đang là gương mặt được chú ý bậc nhất tại chương trình truyền hình thực tế "Anh trai vượt ngàn chông gai". Đặc biệt, tiết mục "Trống cơm" với sự thể hiện của NSND Tự Long, SOOBIN, Cường Seven vừa leo lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ca khúc thịnh hành trên YouTube, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội?
- Đương nhiên tôi hạnh phúc và hãnh diện. Những năm qua, tôi đã đặt chân lên rất nhiều miền quê trên đất nước này, làm đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc của các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ, góp phần nhỏ của mình vào việc bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc. Tôi luôn mong muốn gieo được những mầm non, và thật may mắn khi một trong những mầm non ấy lớn lên chính tại gia đình mình.
SOOBIN là nguồn hi vọng, là "cánh tay nối dài" trên con đường nghệ thuật của tôi. Chứng kiến con kiên định với con đường đã chọn, ngày càng chững chạc, sâu sắc và "ngầu" hơn trên sân khấu, tôi rất yên tâm và tin tưởng.
Được biết, hai cha con anh có một điểm chung rất đặc biệt, đó là cùng lên sân khấu từ năm 3 tuổi?
- Đúng vậy! Gia đình tôi đến hiện tại đã có 3 đời làm nghệ thuật. Bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ, trong đó mẹ là NSƯT Lê Thị Hảo Yến, từng rất nổi tiếng tại đoàn cải lương Thanh Hóa.
Thời ấy, nhắc tới cô Hảo Yến gần như ai cũng biết, đêm nào có mẹ thì rạp đông nghịt khán giả, mọi người tranh nhau tới xem. Nhờ có mẹ, tôi bước chân lên sân khấu từ rất sớm. Năm 3 tuổi – khi còn đang nói ngọng, tôi đã đóng các tích xưa như "Phạm Công – Cúc Hoa", thừa hưởng "máu nghệ thuật", "máu cống hiến" trong người.
SOOBIN kế thừa cái gen trội ấy, con được bố dạy đàn bầu và nhanh chóng thuần thục, nhuần nhuyễn, hòa mình vào giai điệu. Khoảng 5,6 tuổi, lịch diễn của SOOBIN đã kín bưng, nhà ai có đám cưới, cơ quan nào có sự kiện đều ngỏ lời mời. Nhiều hôm, hai bố con "tay xách nách mang" như đi buôn, một bên loa cassette, một bên thì đàn bầu, hôm lại thêm quần áo, găng tay để con đi nhảy điệu Michael Jackson. Hồi đấy, SOOBIN nhảy cover Michael Jackson tốt lắm, từ cú quỵ chân, quay người đều điệu nghệ.
Những năm SOOBIN còn nhỏ, điện thoại, các phương tiện ghi hình không nhiều như bây giờ. Tôi vẫn luôn tiếc khi không ghi lại được hình ảnh nào của con khi ấy.
Có câu chuyện nào của "ngôi sao nhí" SOOBIN khi ấy mà anh còn nhớ tới hiện tại?
- Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này để bạn hiểu hơn về cái tính nghệ sĩ của SOOBIN (cười). Năm ấy, con tôi mới 5,6 tuổi. Một ngày đầu xuân, khi tôi sắp đi Nga, bạn bè, hàng xóm tới nhà chơi rất đông, vừa chúc Tết, vừa trò chuyện. SOOBIN thập thò ở cửa phòng, tôi "biết tỏng" nhưng không nói gì, chờ mãi cu cậu mới ra thẽ thọt: "Bố ơi, bố cho con đánh một bài đàn bầu nhé".
Đợi một lúc, khi mọi người nói chuyện đã ngớt, tôi mở lời: "Hôm nay các bác cho con đánh một bài phục vụ các bác nhân dịp Tết đến, xuân về". Tuy ai nấy đều vui vẻ tán thành, tiết mục không thu về hiệu ứng cao, mọi người chẳng lấy gì làm hào hứng.
Thấy thế, SOOBIN níu tay tôi bảo: "Bố ơi, cho con đánh một bài nữa". Chiều lòng con, tôi lại "kính thưa các bác", SOOBIN lại đàn, nhưng kết quả vẫn y hệt như cũ. Lần này, không đợi bố phát biểu, SOOBIN chơi luôn thêm một lúc hai bài, rất nhiệt huyết, máu lửa. Thế nhưng, như bạn biết, trong không khí Tết nhất, kết quả không có gì tiến triển.
Thấy màn biểu diễn "thất bại" như vậy, SOOBIN chạy tót vào giường, đắp chăn chùm kín đầu. Tôi nghĩ bụng "tình hình gay rồi", liền chạy vào động viên con: "Hôm nay Tết nhất, các bác bận nhiều việc lắm, chưa tập trung được. Để tối bố mua tặng con một con Son Goku, rồi hôm sau bố sẽ tổ chức một buổi riêng để con biểu diễn nhé".
Kể câu chuyện vui, nhưng nói vậy để thấy trong SOOBIN từ lâu đã có ngọn lửa dành cho nghệ thuật. Tuy mỗi thời điểm cách thể hiện sẽ khác nhau, tôi không mong gì hơn là con giữ mãi ngọn lửa ấy.
Tại sao đang thăng hoa với đàn bầu như vậy, SOOBIN lại quyết định chuyển sang dòng nhạc hiện đại?
- Trước hết, phải nói rằng SOOBIN may mắn hơn nhiều người. Là một nghệ sĩ, tôi có kiến thức khá rộng về khí nhạc, nhạc cụ dân tộc, bởi vậy có thể dạy cho con được nhiều thứ từ khi còn rất nhỏ. Có một dấu ấn rất lớn trong thời gian chơi đàn bầu, mà có lẽ SOOBIN chưa bao giờ kể, đó là con từng đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi Concour đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội. Đó là giải thưởng tương đương với giải Nhất, nhưng do SOOBIN chưa học ngày nào trong nhạc viện, nên mọi người quyết định trao một giải riêng, giải còn lại là giải Nhì. Hồi ấy, con mới chỉ 12-13 tuổi.
Tại cuộc thi đó, nói thật tôi cũng giật mình, tôi không ngờ trời cho SOOBIN nhiều tới vậy, con được cả tay phải đánh đàn, được cả tay trái níu cần, hai tay gần như một. Sau này, có tác phẩm tôi viết mang tên "Nỗi niềm trong câu hát ru", phần nhạc cực kỳ khó, SOOBIN đàn như "chạy" violon, "kinh khủng" lắm.
Tuy vậy, sau khi đạt giải thưởng với đàn bầu, SOOBIN quyết định chuyển sang học piano, mở ra con đường tới với âm nhạc hiện đại. Con cũng tự mày mò sáng tác, tự hát và mời thầy về dạy thanh nhạc. Năm con ngoài 20 tuổi, khi gia đình tôi có những biến cố, SOOBIN quyết định vào miền Nam, bắt đầu chặng đường mới.
Thú thực, lúc con đi, tôi có không ít lo lắng. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy quyết tâm vào Sài Gòn của SOOBIN là đúng. Cũng may mắn trong đó có mấy anh em đều từ Hà Nội vào như Touliver, Rhymastic, JustaTee, cả hội thân thiết, giúp đỡ và hỗ trợ cho nhau rất chân tình.
Tiết mục "Trống cơm" của Nhà Sao Sáng gồm NSND Tự Long, Cường Seven, SOOBIN tại chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai". (Ảnh: NSX)
Anh có khi nào tư vấn, động viên SOOBIN khi con hoang mang hay gặp khó khăn trong công việc?
- Có chứ! Cách đây 2 năm, SOOBIN cũng chững lại một chút. Khi ấy, thành thật mà nói là bạn ấy chao đảo giữa những mong muốn của bản thân và của mọi người. Mẹ thì giục cưới, người hâm mộ thì đôi khi muốn con theo phong cách này, dòng nhạc kia.
Thời điểm đó, tôi vào Sài Gòn, dựng vở cho đoàn Bông Sen, hai bố con có dịp gặp nhau trò chuyện. Tôi bảo SOOBIN: "Theo bố, con nên mở lòng ra một chút về phương hướng nghệ thuật", bởi lúc đó SOOBIN cứ quyết đi theo dòng nhạc R&B, nhất định không hát ballad, mặc dù khán giả và giới bầu show đều rất thích con đi theo dòng nhạc này.
Dù đưa ra những lời khuyên cho con, tôi vẫn luôn nói với con rằng: "Tất cả những gì con làm đều do con quyết định, bố mẹ sẽ luôn ở bên và động viên con". Sau thời gian đó, SOOBIN cho ra đời một loạt sản phẩm mới, tham gia nhiều hơn vào các gameshow truyền hình. Gần đây, con đang dần khẳng định được con đường mình đang đi, sự đón nhận của khán giả tại Anh trai vượt ngàn chông gai cũng phần nào cho thấy điều đó.
Bố con anh có hay gặp gỡ nhau?
- Thú thực là rất khó. SOOBIN bận một, tôi bận hai, năm nào từ mùng 4 Tết, tôi cũng đã ra khỏi nhà để tới khắp các miền. Không chỉ làm âm nhạc dân gian đương đại, tôi còn là đạo diễn âm nhạc sân khấu, điện ảnh, các cuộc thi như Sao Mai, Liên hoan múa quốc tế, Liên hoan độc tấu, hòa tấu… Đôi khi sinh nhật, lễ Tết, tôi gọi điện cho con, nhắn nhủ con vài lời. Nói thật, bây giờ hai bố con có làm chủ được thời gian đâu, mọi người "điều khiển" mình rồi. Thế nhưng, có những điều không cần nói ra, tôi tin là con hiểu…
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
NSND Nguyễn Huỳnh Tú sinh năm 1960 tại Thanh Trì - Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1982, ông ở lại trường giảng dạy 3 năm.
Sau đó, ông về Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) và thành lập nhóm nhạc Mưa Rừng, thường xuyên đi nước ngoài biểu diễn về khí nhạc (nhạc thính phòng), hòa tấu, độc tấu…
SOOBIN tên thật là Nguyễn Huỳnh Sơn, sinh năm 1992 tại Hà Nội. Anh là chủ nhân của nhiều bản hit như Phía sau một cô gái, Đi để trở về (Tiên Cookie), Xin đừng lặng im (Shin Hồng Vịnh). Từ năm 2020, anh đổi nghệ danh thành SOOBIN, giới thiệu E.P The Playah với loạt ca khúc tự sáng tác gồm Trò chơi, BlackJack, Tháng năm...