Suýt chết vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc
Đó là trường hợp ông N.N.D, 64 tuổi ở Bắc Giang và ông T.N.T, 62 tuổi ở Hưng Yên. Tháng 4/2024, hai bệnh nhân này nhập viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu do suy gan vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Ông D phát hiện bị viêm gan B cách đây 30 năm. Khoảng 3 năm gần đây được điều trị thuốc kháng virus. Tháng 12/2023, nghe quảng cáo trên mạng loại thuốc nam điều trị khỏi viêm gan B, gia đình đã mua cho ông D uống chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khoảng hơn 3 tháng uống thuốc nam này, ông D xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần.
Khi gia đình đưa ông D đến cơ sở y tế khám, ngay sau đó ông D được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Thời điểm nhập viện, ông D được chẩn đoán suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mãn tính, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan phải tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực.
Còn bệnh nhân T.N.T, 62 tuổi ở Hưng Yên. Bệnh nhân này không mắc bệnh mãn tính, không bị viêm gan B, C và cũng không uống rượu bia. Nhưng trong 3 năm gần đây, ông T liên tục sử dụng thuốc nam, thuốc bắc để bồi bổ sức khỏe. Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, ông T còn uống một đợt thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc nam, ông T xuất hiện mệt mỏi, ăn uống kém. Gia đình đưa ông T vào bệnh viện kiểm tra, kết quả ông T bị viêm gan cấp, nhiễm độc gan.
Một trường hợp khác cũng ngộ độc do uống thuốc nam không rõ nguốn gốc phải nhập viện cấp cứu đó là trường hợp cháu bé 3 tuổi, ở Thanh Hóa. Ngày 12/4, gia đình đưa bệnh nhi 3 tuổi này nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi.
Trước thời điểm nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, tuy nhiên, thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên hoàn về cho trẻ uống để chữa bệnh động kinh. Thời gian đầu sau khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm, thế nhưng, khoảng 1 tháng sau trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu.
Nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, và tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu, kết quả cho thấy bệnh nhi này bị ngộ độc chì rất nặng. Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất, tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, trẻ được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì trong máu.
Qua những trường hợp trên cho thấy sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh của người dân. Chính sự tùy tiện mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc đã khiến sức khỏe, tính mạng của bản thân hay người thân bị đe dọa nếu không được cấp cứu kịp thời. Đồng thời, chính điều này cũng tạo cơ hội cho những kẻ bất lương, sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc trục lợi bất chính.
Kiếm lợi bất chính hàng tỷ đồng từ sản xuất, bán thuốc giả trên mạng
Nắm được thông tin các sản phẩm thương hiệu thuốc nam Kháu Vài Lèng và đại tràng HG do Hợp tác xã (HTX) Dược liệu nam dược Mạc Minh (tỉnh Hà Giang) sản xuất bán chạy trên thị trường, Chu Văn Diễn (SN 1996, HKTT tại TP Hòa Bình, Hòa Bình) và Nguyễn Đắc Dũng (SN 1981, HKTT tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đã bàn bạc, rủ nhau sản xuất các sản phẩm giả thương hiệu của HTX này và quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội.
Cả hai bàn nhau đặt mua nguyên liệu thuốc nam không rõ nguồn gốc, có giá rẻ về tập kết tại xưởng, rồi sử dụng máy in màu để in tem nhãn giả của đơn vị chính hãng. Dũng chỉ đạo các nhân viên đóng gói thuốc giả, giao cho Diễn tiêu thụ. Còn Diễn thuê 1 căn hộ chung cư tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm địa điểm kinh doanh và chỉ đạo 10 nhân viên lập fanpage giả mạo trang fanpage chính hãng của HTX Dược liệu nam dược Mạc Minh và sử dụng số điện thoại gần giống số điện thoại của HTX này để đánh lừa khách hàng, đăng bán thuốc chữa bệnh giả trên mạng xã hội. Việc sản xuất thuốc nam giả của các đối tượng trên rất tinh vi, kho xưởng sản xuất được các đối tượng đặt các khu vực hẻo lánh, ít dân cư qua lại để tránh bị phát hiện.
Trong vụ này, Cơ quan Công an đã thu giữ gần 3 tấn sản phẩm thuốc nam giả thương hiệu Kháu Vài Lèng và Đại tràng HG, tính theo giá bán của đơn vị chính hãng có tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thu giữ số lượng lớn nguyên dược liệu, vỏ bao bì, tem nhãn cùng máy in màu để làm giả các sản phẩm 2 thương hiệu nói trên của HTX Dược liệu nam dược Mạc Minh. Tính đến thời điểm trước khi bị bắt, nhóm này đã tiêu thụ hàng chục ngàn sản phẩm thuốc nam Kháu Vài Lèng và đại tràng HG giả qua mạng xã hội, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Vụ việc này cho thấy, đây là vụ án rất nghiêm trọng liên quan đến thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, người bệnh cần điều trị. Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn mua hàng của các cơ sở có uy tín, những đơn vị bán hàng chính hãng, không nên quá tin vào quảng cáo, mua bán trên mạng xã hội, không đảm bảo việc chữa bệnh, phòng bệnh cho cá nhân mình.
Qua vụ án này, cũng là lời cảnh báo tới người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác, nên mua hàng tại các cơ sở chính hãng, cơ sở có uy tín. Tránh mua thuốc trôi nổi trên mạng để rồi tiền mất tật mang, bệnh không chữa khỏi mà còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân khi uống nhầm thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.