Từ sáng sớm ngày 4/8, Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM, bỗng dưng trở nên vui vẻ, náo nhiệt hơn bình thường. Mọi người tại đây ai cũng háo hức chờ đến giờ được làm thủ tục để cấp thẻ căn cước. Từ người già, người khuyết tật, không ai bảo ai, cứ thế xếp hàng, im lặng chờ đến giờ được làm thẻ căn cước.
Đây là chương trình do Công an TP.HCM phối hợp với Cục C06 Bộ Công an tổ chức cấp thẻ căn cước cho 117 trường hợp bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức).
Không giấu nổi niềm vui, ông Trương Hoàng Minh (58 tuổi) vừa thấp thỏm, vừa hào hứng chia sẻ đây là lần đầu tiên ông được có trong tay một thứ có thể chứng minh mình là công dân.
Ông Minh kể ông từ quê lên TP.HCM từ năm 1981. Do không có giấy tờ tùy thân, ông chỉ xin được công việc làm bốc vác ở chợ Bình Điền. Đến năm 2000, ông Minh được cán bộ đưa về Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh để chăm sóc.
"Tôi chỉ biết tên mình, nhớ được năm sinh vì hồi đó ba mẹ nói cho biết chứ cũng không có giấy tờ gì chứng minh. Từ ngày về sống ở đây, đằng đẵng suốt mấy chục năm nay tôi không dám đi đâu, cũng không biết ra ngoài làm gì để sống. Tối qua, tôi cứ nằm trằn trọc, nghĩ tới lúc mình được cấp thẻ căn cước nên vui quá không ngủ được", ông Minh bồi hồi nói.
Mang tâm trạng ngậm ngùi, ông Huỳnh Công Viễn (52 tuổi) chia sẻ ông chưa từng biết cha mẹ mình là ai, dòng họ thân thiết làm gì, ở đâu.
Ông Viễn chỉ biết rằng ngày xưa ông được đưa đến một cô nhi viện, sau đó chuyển đến trường Mầm Non 6 (nay là Trung tâm bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè), rồi lại được đưa về Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh đến tận bây giờ.
"Cách đây 2 tháng, tôi được công an hỗ trợ làm giấy khai sinh, tuy có chút chạnh lòng vì trên giấy khai sinh phần tên cha và mẹ lại để trống. Nay được làm thẻ căn cước, tôi phần nào được an ủi bởi xã hội vẫn còn quan tâm đến người khuyết tật như tôi", ông Viễn nói.
Bà Trần Thị Điệp (70 tuổi) cũng kể lại rằng mấy chục năm trước trong lúc bán vé số bà không may bị cướp và mất giấy tờ tùy thân. Từ ngày đó, bà chỉ có thể xin làm giúp việc, rửa chén ở chỗ quen, nếu nơi nào hỏi giấy tờ làm hồ sơ thì bà lại xin nghỉ để làm việc khác.
Sau đó thấy sức khoẻ ngày càng yếu, bà Điệp xin được vào Cơ sở bảo trợ xã hội để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Trước đó tôi cũng vài lần thử xin làm lại giấy tờ nhưng không được. Nay được công an hỗ trợ làm thẻ căn cước tôi rất vui vì sau ngần ấy năm tôi cũng có được cái giấy tờ chứng minh mình là ai", bà Điệp tâm sự.
Theo Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06, Công an TP.HCM chia sẻ, sau hơn một năm triển Kế hoạch số 1878/2023 của Ban chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM, đến nay, toàn TP.HCM đã cấp được gần 2.000 CCCD/ thẻ căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt.
Trung tá Châu cho biết do đa số những người ở trung tâm bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, là những người lang thang, cơ nhỡ, không có thông tin hoặc có nhưng rất ít nên việc tiến hành thu thập thông tin để cấp giấy khai sinh, cấp thẻ căn cước rất khó khăn.
"Tuy nhiên, không vì khó khăn đó mà lực lượng công an cũng như các sở, ngành không thực hiện mà chúng tôi luôn quyết tâm làm hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau. Do các cô, chú, anh, chị ở Trung tâm đi lại khó khăn nên hôm nay chúng tôi đến tận nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp họ có thẻ căn cước", Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06, Công an TP.HCM nói.
Hiện, Công an TP.HCM đã tổ chức cấp thẻ căn cước tại các quận 7, Gò Vấp, TP.Thủ Đức và trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai cấp thẻ căn cước cho công dân, đặc biệt là những người yếu thế trong các trung tâm bảo trợ xã hội.