Ghi nhận của PV Dân Việt, tại các tuyến đường như: Lý Thái Tổ (quận 10), đường 3/2 (quận 11), đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ… không khó để bắt gặp tình trạng người ăn xin ngay tại các giao lộ, nút giao có đèn tín hiệu giao thông, khu vực dưới chân cầu…
Đa phần người xin ăn là những người đã lớn tuổi, người khuyết tật, mẹ bế con, trẻ em từ 3-10 tuổi…
Đơn cử, sáng 4/8, hình ảnh người phụ nữ ngồi tại nút giao thông đường 3/2, tay bồng một đứa trẻ hơn 1 tuổi ngủ li bì xin tiền khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chị Nguyễn Ánh (trú phường 8, quận 11) cho biết, đã rất nhiều lần thấy cảnh người mẹ này bế con đi xin ăn trên khắp tuyến phố tại quận 11.
"Mỗi lần thấy là tôi sẽ dừng xe lại cho 20.000-50.000 đồng. Biết là mình bị lợi dụng nhưng chỉ thấy thương đứa nhỏ. Tội nghiệp quá", chị Ánh nói.
Nhiều người dân tại TP.HCM cho rằng, cần có những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn để chấm dứt tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn TP.
"Mình thấy tội nghiệp, mình cho tiền đó là hại những đứa nhỏ. Thấy việc xin ăn có tiền dễ dàng, người chăn dắt sẽ lợi dụng việc đó để đưa các em đi xin ăn khắp nơi. Hy vọng các em sẽ được nhà nước quan tâm, hỗ trợ chứ như vậy thì tội lắm", chị Hồng Ân (trú quận Tân Bình) chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM nhận định, nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định hoặc lâm vào hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương đã di cư vào TP.HCM ăn xin kiếm sống qua ngày. Điều này tạo áp lực cho TP.HCM trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin, đặc biệt dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, số người có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội có xu hướng tăng.
Trong năm qua, các cơ quan liên quan đã phối hợp với tổ công tác tại xã, phường, thị trấn xác minh và giải quyết 4.356 người lang thang, ăn xin.
Trong đó đưa về gia đình, địa phương quản lý 570 người xác định rõ nơi cư trú, lập hồ sơ đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội 1.202 người, trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần 66 người, đồng thời phối hợp với y tế điều trị 4 trường hợp nhiễm HIV.
Hiện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM có 16 cơ sở trợ giúp xã hội với các hoạt động tiếp nhận, sàng lọc, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi cũng như chăm sóc và nuôi dưỡng người lang thang, ăn xin.
Riêng lĩnh vực y tế, điều trị, Sở Y tế TP.HCM cũng tiếp nhận và điều trị cho người lang thang, ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định.
Đồng thời chỉ đạo các trung tâm cấp cứu, bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị cho người có sức khỏe yếu, suy kiệt, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm do các đơn vị, tổ công tác chuyển đến.
Trong 2.353 người được tổ công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, ngoài trẻ em, người già, người khuyết tật, tâm thần hoặc các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp khác, có tới 45% thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi).