Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư khám chữa bệnh

Quỳnh Nguyễn 05/08/2024 18:01 GMT+7
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị mà còn "vấn đề nọ kia" trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

Chiều 5/8, tại buổi họp báo Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện được thực hiện ra sao?

Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích hai yếu tố cần thiết để thực hiện mua sắm thuốc và vật tư y tế tại cơ sở y tế.

Một là hoàn thiện thể chế với các văn bản liên quan đến mua sắm thuốc và vật tư y tế. Hai là việc tổ chức thực hiện tại cơ sở y tế và các địa phương.

Theo ông Tuyên, nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị mà còn "vấn đề nọ kia" trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

"Địa phương có bố trí kinh phí không; nhà thầu có đảm bảo theo đúng tiến độ không; lựa chọn nhà thầu thế nào; nhà thầu có chịu cung ứng thuốc, vật tư không hay lại bỏ không tham gia nữa? Đó là cả một vấn đề", ông Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư khám chữa bệnh- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, tình trạng thiếu thuốc chỉ xảy ra ở một số đơn vị, một số địa phương, ở một số thời điểm nhất định. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, thời gian qua, đặc biệt sau dịch Covid-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở một số đơn vị, một số địa phương, ở một số thời điểm nhất định và chỉ thiếu một số loại chứ không phải thiếu tất cả.

"Tôi đi khảo sát ở Bệnh viện Trung ương Huế, các đồng chí khẳng định không thiếu thuốc", ông Tuyên nói.

Theo vị Thứ trưởng, Bộ Y tế đã nhận diện và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, trên cơ sở tham mưu, phối hợp với các bộ, trình Quốc hội sửa đổi các luật liên quan.

Trên cơ sở đó, các thông tư về danh mục thuốc đàm phán giá, đấu thầu tập trung được ban hành. Với thông tư 07 năm 2024, theo ông Tuyên là rất quan trọng, quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, hướng dẫn các quy trình.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang hoàn thiện 2 dự án sửa đổi Luật Dược và Luật BHYT trình Quốc hội. Trong đó, Luật Dược đưa ra các chính sách, trong đó cơ bản các chính sách đều có sự cải cách thủ tục hành chính rất mạnh, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc…

"Qua đi khảo sát thực tế, vấn đề hoàn thiện thể chế trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cơ bản đầy đủ, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong vấn đề này", ông Tuyên nhấn mạnh.