Anh Phan Thanh Xuyên ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết, anh đã quyết tâm thuê đất để trồng loại cây mà anh tin tưởng là sẽ giúp vực dậy kinh tế gia đình. Hiện tại, với 7 công mãng cầu xiêm, anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em, anh Phan Thanh Xuyên vất vả mưu sinh từ nhỏ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh được cha mẹ cho 1 công đất "ra riêng". Vợ chồng anh làm đủ việc, từ làm cỏ, cắt lúa mướn, giăng câu, chăn nuôi heo, vịt để mong vực dậy kinh tế gia đình. Cần cù lao động, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng anh tích lũy mua thêm 4 công đất để trồng lúa. Tuy vậy, làm ruộng chỉ đủ ăn, không thể "khá".
Năm 2021, anh tìm hiểu và nhận thấy mô hình trồng mãng cầu xiêm dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao, có thể là hướng đi mới cho gia đình nên mạnh dạn thuê đất để trồng mãng cầu xiêm. "Sau 18 tháng cây mãng cầu xiêm cho trái chiếng (trái bói). Năm đầu tiên, năng suất đạt trên 2 tấn/công. Tôi bán với giá trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng".
Năm nay, vườn mãng cầu xiêm của anh Xuyên trĩu quả, năng suất cao hơn hẳn. Anh Xuyên chia sẻ: "Vụ chính của mãng cầu xiêm thường từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, nếu để trái chín vào thời gian này thì giá cả có thể thấp do nguồn cung nhiều hơn cầu. Do đó, tôi nghiên cứu thời gian, "canh" để cây cho trái vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, lúc này giá bán cao hơn".
Vụ mãng cầu xiêm năm nay, anh Xuyên thu hoạch khoảng 20 tấn trái, với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Xuyên "bỏ túi" hơn 350 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thắng, từ hiệu quả của mô hình trồng mãng cầu xiêm, năm 2024, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác (THT) Trồng mãng cầu xiêm ấp Thới Bình, với 8 thành viên canh tác trên diện tích 10,8ha, do anh Xuyên làm tổ trưởng.
Thành viên THT không chỉ chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất mà còn hùn vốn tương trợ (500.000 đồng/người/năm; mỗi 3 tháng sẽ có 1 người được nhận số vốn 4 triệu đồng và xoay vòng) để giúp nhau khi ốm đau, đầu tư sản xuất...
Theo chia sẻ của các thành viên THT, cây mãng cầu xiêm dễ canh tác, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, có thể xem là hướng đi tốt để phát triển kinh tế gia đình.
Riêng kinh nghiệm của anh Xuyên, để trái đạt yêu cầu hàng loại 1, bán có giá cao, trái phải đảm bảo sạch, không bị nám, sâu đục thúi, đặc biệt trọng lượng trung bình từ 1,8kg trở lên. "Muốn vậy, nhà nông cần chú ý kỹ thuật bao trái và bón phân thời điểm thích hợp".
Với kinh nghiệm của mình, anh Xuyên luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho hội viên. Anh Nguyễn Hoàng Ðây ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, cho biết: "Tôi có 5 công đất trước đây trồng lúa, huê lợi không đáng kể. Ðược sự hỗ trợ của anh Xuyên, tôi mạnh dạn chuyển đổi 1 công đất sang trồng mãng cầu xiêm. Anh Xuyên hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu xiêm. Không riêng gì cá nhân tôi, anh Xuyên luôn tận tình với thành viên trong THT".
Bên cạnh đó, việc kết nối thương lái để tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là yếu tố giúp anh Xuyên và các thành viên THT thành công khi vừa "được mùa, được giá".
Chí thú làm ăn, cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất và sống nghĩa tình với bà con nông dân, anh Xuyên được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Thới Bình khoảng 1 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ Hội Nông dân xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai trân trọng nói: "Anh Xuyên là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh luôn tìm tòi, vận dụng kiến thức khoa học để áp dụng tại vườn nhà và đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong công tác, anh Xuyên luôn nhiệt tình, tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động, từng bước nâng cao đời sống".