Dân Việt

3 thay đổi đáng chú ý về nội dung vụ án Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC

X.A 06/08/2024 12:52 GMT+7
So với hồ sơ ban đầu, số lượng bị hại trong vụ án giảm từ hơn 30.000 xuống 25.000 trường hợp và đồng thời, số tiền Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cũng giảm từ 4.300 tỷ đồng xuống gần 1.800 tỷ đồng...

TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, án 18 năm tù về tội lừa đảo và 3 năm tù vì thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp 21 năm tù.

Mức án trên thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, vốn cho rằng ông Quyết cần chịu hình phạt tổng hợp từ 24 – 26 năm tù. Không chỉ vậy, 49 bị cáo còn lại cũng được tuyên án sơ thẩm thấp hơn mức đề nghị, bao gồm 16 người được hưởng án treo.

3 thay đổi đáng chú ý về nội dung vụ án Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC- Ảnh 1.

Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đều được tuyên án nhẹ hơn đề nghị của Viện kiểm sát.

Hội đồng xét xử cho hay khi lượng hình đã căn cứ việc Trịnh Văn Quyết là người cầm đầu và em gái ông, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (án 14 năm tù) là người giúp sức tích cực; các bị cáo còn lại đều làm công ăn lương, không hưởng lợi, chỉ là đồng phạm giúp sức.

Trong vụ án, ngoài ông Quyết cùng 2 em gái ruột, còn có nhiều trường hợp bị cáo là bố con, anh em, vợ chồng; có 11 người trong cùng một dòng họ bị xử lý. Dù đây không phải tình tiết giảm nhẹ được quy định, nhưng Hội đồng xét xử cũng căn cứ việc này khi lượng hình.

Anh em bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng được ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như UBND ở quê Vĩnh Phúc viết đơn xin; từng đầu tư vào những địa phương khó khăn, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế…

Điểm đáng chú ý tiếp theo là số tiền bồi thường giảm so với cáo trạng. Ban đầu, phía công tố xác định Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện thao túng chứng khoán, thu lợi bất chính 684 tỷ đồng. Hành vi lừa đảo, bán cổ phiếu ROS của họ cũng gây thiệt hại 3.600 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Ngay trong phần luận tội hôm 26/7, các kiểm sát viên nêu quan điểm, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm mới nộp hơn 200 tỷ đồng, con số "quá khiêm tốn", bằng khoảng 5% số gần 4.300 tỷ đồng cần nộp để khắc phục hậu quả (684 tỷ cộng 3.600 tỷ).

Tại phần tuyên án chiều 5/6, Hội đồng xét xử tuyên không có căn cứ xác định bị hại trong hành vi thao túng chứng khoán của Trịnh Văn Quyết bởi xảy ra đã lâu, người mua đi bán lại nhiều…

Trong hành vi lừa đảo, cấp sơ thẩm xác định Công ty Faros tăng vốn 7 lần và tại lần thứ 5, cổ phiếu được bán ra cho các nhà đầu tư (F0). Họ được xác định là bị hại, sẽ được nhận 7.200 đồng/cổ phiếu ROS còn nắm giữ; số này chỉ vài chục người.

Hiện tại, có hơn 63.000 nhà đầu tư còn nắm cổ phiếu ROS và tòa án xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong số này, có 27.000 người được yêu cầu bồi thường.

Tòa sơ thẩm thấy Công ty Faros vẫn hoạt động, cổ phiếu ROS dù bị cấm giao dịch trên sàn nhưng vẫn có giá trị. Thiệt hại của các nhà đầu tư là ở phần Trịnh Văn Quyết nâng khống, hơn 54%. Nếu mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, Trịnh Văn Quyết cần bồi thường hơn 5.400 đồng.

Tổng cộng, ông Quyết và em gái phải bồi thường gần 1.800 tỷ đồng, ghi nhận họ đã nộp hơn 260 tỷ đồng. Các bị cáo khác không hưởng lợi, không phải bồi thường.

Số lượng bị hại trong hành vi lừa đảo của Trịnh Văn Quyết cũng thay đổi theo hướng giảm. Tòa án đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư F0 với tư cách bị hại và hơn 63.000 trường hợp đến tham gia với tư cách người liên quan. Chỉ vài chục người có mặt.

Trong phần tranh luận, các luật sư của Trịnh Văn Quyết cho rằng 133 trường hợp có yêu cầu bồi thường mới là bị hại của vụ án. Ngoài ra, con số hơn 30.000 bị hại cũng không chính xác bởi trùng lặp thông tin.

Đối đáp lại, Viện kiểm sát cho rằng hành vi lừa đảo của ông Quyết hoàn thành khi mua bán cổ phiếu ROS xong nên những nhà đầu tư F0 là bị hại; con số 133 không thể chấp nhận. Tuy vậy khi rà soát lại, phía công tố nhận thấy số bị hại là hơn 25.000 trường hợp và tòa án chấp nhận con số này.