Dân Việt

Vì sao môn bắn súng ở Việt Nam lại không phát triển?

Trần Oánh 07/08/2024 21:10 GMT+7
Môn bắn súng không đòi hỏi những tố chất vốn không phải ưu thế của người Việt Nam, như thể hình, thể lực hay sức bền. Mặt khác dường như khả năng phù hợp và ưu thế về môn thể thao này qua hàng ngàn năm chiến đấu chống ngoại xâm, đã ngấm vào máu vào gen con người Việt Nam.

Vì sao môn bắn súng ở Việt Nam lại không phát triển?

Xét về tính hấp dẫn của 1 môn thể thao, phải khẳng định, môn bắn súng rất hấp dẫn, rất có sức thu hút. Hầu hết mọi người đều muốn ít nhất là thử chơi môn này nếu có cơ hội. Những năm 90 thể kỷ trước, tại một số Hội chợ hay triển lãm lớn, có những gian hàng của quân đội, trang bị hệ thống trường bắn ảo, do các chiến sỹ QĐND Việt Nam vận hành, cho phép khách tham quan trải nghiệm cảm giác ngắm bắn mục tiêu bằng súng AK47. Kết quả đường đạn ảo sẽ được hiển thị trên màn hình gắn cạnh bàn bắn. Khi đó, các gian hàng này luôn kín người chơi. Với tính hấp dẫn đó, việc phổ cập môn thể thao này trong xã hội chắc chắn là dễ dàng, ít nhất là trong khía cạnh thu hút người chơi.

Môn bắn súng cũng không đòi hỏi những tố chất vốn không phải ưu thế của người Việt Nam, như thể hình, thể lực hay sức bền, điều này giúp cho chúng ta dễ dàng hơn trong việc cạnh tranh thành tích với thế giới. Mặt khác, dường như môn thể thao này ưu thế và phù hợp đối với người Việt Nam, khi qua lịch sử hàng nghìn năm, truyền thống chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã ngấm vào máu, vào gen con người Việt Nam.

Vì sao môn bắn súng ở Việt Nam lại không phát triển?- Ảnh 1.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và chiếc HCV lịch sử.

Ở Thế vận hội Mùa hè 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, VĐV quân đội Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với tổng điểm 202,5 điểm. Những tưởng sau thành công đó, môn bắn súng sẽ phát triển và tiếp tục đem lại thành tích cho thể thao Việt Nam ở các kỳ Olympic, nhưng mãi cho đến năm nay, mới có xạ thủ Trịnh Thu Vinh vượt qua vòng loại, sau đó xếp hạng 4 chung kết 10m súng ngắn hơi nữ. Trở thành người thứ hai vào tới chung kết một nội dung bắn súng Olympic, sau Hoàng Xuân Vinh.

Có thể coi thành tích thi đấu của nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở Olympic 2024 là kết quả đáng khích lệ, nhưng liệu nó có là cú hích cho môn thể thao hấp dẫn này phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại những thành tích cao hơn cho thể thao nước nhà, hay nó vẫn chỉ như sự lóe sáng của 1 cá nhân, hơn là phản ánh kết quả của quá trình vận hành của cả môn thể thao này? Rõ ràng, nếu phổ cập môn bắn súng trong xã hội thì sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn ra những tài năng hơn. Nhưng môn bắn súng là 1 môn thể thao đắt tiền, tính hấp dẫn của nó sẽ bị chi phối bởi chi phí tham gia của người chơi. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện tại, Việt Nam rất khó để phổ cập môn chơi này trong quy mô xã hội.

Nhưng nói thế không có nghĩa là bắn súng Việt Nam thiếu nguồn tuyển chọn VĐV. Hàng năm, có hàng trăm ngàn chiến sĩ mới nhập ngũ. Ở khắp các đơn vị trong toàn quân, thường xuyên tổ chức các cuộc thi bắn súng cá nhân quân dụng. Đó là nguồn tuyển chọn vận động viên đủ lớn cho môn bắn súng Việt Nam. Và đó cũng là cách mà sĩ quan Công binh Hoàng Xuân Vinh đến với môn bắn súng. Chúng ta đều biết, hiện tại, đội tuyển bắn súng Việt Nam có sự hướng dẫn của chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung-gun, với điều kiện và phương tiện luyện tập tương đương với đa số các vận động viên trên thế giới. Đội tuyển bắn súng đã có chuyến tập huấn tại Hungary trong 2 tuần, sau đó lên đường di chuyển thẳng tới Pháp để tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Như vậy, nguồn cung cấp VĐV và điều kiện luyện tập thi đấu cho môn bắn súng ở Việt Nam coi như đáp ứng. Có vẻ, với môn thể thao đặc biệt này, con đường đi đến đỉnh cao thế giới của các VĐV Việt Nam chỉ còn phụ thuộc ở quá trình luyện tập, bao gồm phương pháp, điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ luyện tập và tinh thần luyện tập của cá nhân mỗi xạ thủ.

Nhưng tính chuyên cần, sự khổ luyện là chưa đủ. Ở thi đấu đỉnh cao, có một đặc điểm tạo ra sự khác biệt về mặt thành tích của môn bắn súng, đó là nó đòi hỏi tính kỷ luật cá nhân ở mức độ tối đa để đưa tinh thần tới trạng thái tập trung tuyệt đối của VĐV, mà yếu tố này dường như lại không phải thế mạnh vốn có trong tính cách con người Việt nam? Và để tiến lên đỉnh cao của thế giới, các VĐV bắn súng Việt Nam sẽ phải vượt qua đòi hỏi khắc nghiệt này.