Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm dữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Là giáo viên đã có 12 kinh nghiệm trong nghề, thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình với hướng dẫn mới. Thầy Bảo cho biết: "Việc thay đổi giúp học sinh được học thực chất, không bị lao vào guồng văn mẫu. Đề cương mà các em cầm giờ đây cũng như một sơ đồ tư duy, không phải văn mẫu để các em học thuộc".
Thầy Bảo cho biết thêm, cái hay chính là việc cả giáo viên và học sinh đều không biết trước đề. Nên việc xử lý các câu hỏi trong đề thi sẽ dựa vào hoàn toàn kĩ năng mà các em được dạy trong quá trình học. Điều này loại bỏ hoàn toàn tư duy học thuộc lòng, buộc các em học sinh phải trang bị cho mình kĩ năng xử lý các câu hỏi thực tế.
"Chương trình mới đã được áp dụng từ 3 năm trước, chính vì thế tôi tự tin rằng các em học sinh của mình đã quen với những thay đổi này" - thầy Bảo khẳng định.
Cũng như thầy Võ Kim Bảo, cô Vũ Hải Song Quyên - giáo viên trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) cho biết, cô cũng như những đồng nghiệp của mình đều đồng tình với những thay đổi trong chương trình mới. Đối với cô Quyên, việc thay đổi chương trình đã được áp dụng từ 3 năm nay, nên cô cũng như học sinh hoàn toàn chủ động trước những hướng dẫn mới từ Bộ.
"Đối với một người nắm công tác giảng dạy, cách ra đề này của Bộ khiến tôi thấy thú vị hơn. Điều này giúp cho học sinh nắm kiến thức phải chắc vì kể cả người dạy và người học đều không đón đợi được ra văn bản nào. Xu hướng ra đề như vậy sẽ thích hơn cách ra đề cũ, bởi mình có thể khai thác được sự sáng tạo của học sinh" - cô Quyên bày tỏ.
Thầy Bảo cho biết, trong thời gian qua, cũng có những trường hợp đề thi bị phản ánh chưa phù hợp với học sinh. "Có một thực tế không chối cãi được chính là có trường hợp giáo viên chọn đề thi chưa phù hợp, gây ra sự phản cảm lớn cho ngành giáo dục. Việc khó khăn là ra đề, còn giáo viên thấy khó trong việc giảng dạy, cần xem lại kiến thức chuyên môn của mình, phải học tập và nâng cao thêm" - thầy Bảo chia sẻ.
Cụ thể, theo thầy Bảo, khó khăn không đến từ phía học sinh mà đến từ phía giáo viên. Giáo viên có thể chưa quen, không tự tin chọn một tác phẩm ngoài, bởi bản thân giáo viên cũng không chắc chắn văn bản được kiểm duyệt chưa, có lỗi gì không. Nếu không cẩn thận, búa rìu dư luận có chĩa hướng vào họ hay không.
Vậy nên, khó khăn nhất ở khâu ra đề chứ không phải khâu dạy học sinh thích ứng với chương trình mới như thế nào. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, giáo viên phải tự nâng cao kiến thức chuyên môn, lựa chọn văn bản ngoài sách giáo khoa phù hợp với đề kiểm tra.
Nói về việc dư luận đang đặc biệt quan tâm đến những thay đổi trong môn Ngữ văn và có những ý kiến trái chiều, thầy Bảo cho biết, chương trình cũ dạy cho các em nội dung văn bản, còn chương trình mới dạy cho các em năng lực có thể đọc tất cả các loại văn bản cùng một thể loại đó. "Định hướng dạy học khác nhau nên cách ra đề kiểm tra bắt buộc ra ngoài sách giáo khoa mới đúng" - Thầy bảo nói.
Thầy bảo khẳng định, chính áp lực từ dư luận khiến giáo viên phải có trách nhiệm hơn với việc dạy học, để cha mẹ yên tâm khi đưa con đến trường và con của họ cũng phải được trang bị đầy đủ những kiến thức để khi gặp tác phẩm thầy cô chưa bao giờ đọc thì mình cũng phải hiểu.
Cô Vũ Hải Song Quyên cũng bày tỏ: "Nếu giáo viên dạy học sinh đúng phương pháp thì học sinh cũng làm được bài. Đó là sự phản hồi tốt nhất với phụ huynh và dập tan những hoài nghi của dư luận. Kiểu ra đề mở với văn bản mới thì cách đánh giá cũng được điều chỉnh, việc đánh giá bằng điểm cũng sẽ khác nên phụ huynh cũng không cần lo lắng".