Hôm nay, 9/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị giáo dục đại học (GD ĐH) năm 2024. Báo cáo tại hội nghị, về nội dung nghiên cứu khoa học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống GDĐH Việt Nam trong những năm vừa qua có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định, trong đó các cơ sở GDĐH cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, 7 tháng qua, có trên 12,5 nghìn bài báo của các cơ sở GD ĐH Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế . Trong đó, 67 cơ sở công bố nhiều nhất chiếm tới trên 84% tổng số bài của cả nước.
Tuy vậy, so với năm 2023, số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế của các cơ sở GD ĐH Việt Nam có xu hướng giảm khi chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm nhưng số lượng chưa đạt được mức như năm 2023.
Để có đánh giá tổng thể, Bộ GD&ĐT đưa ra số liệu thống kê cụ thể năm 2022, 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 như sau:
Có thể thấy, năm 2023, số lượng công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH tại Việt Nam cao hơn năm 2022. Nhưng con số 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, số lượng công bố năm nay có thể sẽ thấp hơn năm 2023.
Bên cạnh đó, theo Cục Thông tin Khoa học Công nghệ quốc gia (2021), tổng kinh phí chi nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc gia chiếm 0,42% GDP, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 30,9%. Khối GDĐH chiếm 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (FTE) của cả nước và 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ của cả nước. Về số bài báo công bố trên các ấn phẩm Scopus trong 3 năm từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2024, chỉ tính riêng 67 cơ sở GDĐH có số lượng công bố nhiều nhất đã chiếm 83,5% số bài của cả nước. Tuy nhiên, kinh phí R&D chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí R&D quốc gia, đạt xấp xỉ 2.434 tỉ đồng hay 97,3 triệu đồng trên FTE (so với 476 triệu đồng trên FTE của toàn hệ thống).