Nông dân có thêm việc làm
Trước đây, chị Lê Thùy Trinh (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) làm thuê nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, thiếu thốn. Năm 2020, chị Trinh bắt đầu "bén duyên" với nghề làm nhang. Ban đầu, chị làm nhang theo kiểu thủ công và chỉ bán cho người dân tại địa phương nên thu nhập vẫn thấp.
Năm 2023, chị được Hội ND xã Kiến Bình tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn này, chị mạnh dạn đầu tư mua máy móc và mở rộng cơ sở làm nhang. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình chị từng bước ổn định hơn.
"Hội ND tỉnh Long An đã tập trung đầu tư các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nhờ đó mà phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao".
Ông Trần Quốc Quân -
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An
Hiện nay, cơ sở làm nhang của chị Trinh có 3 máy se nhang và 3 nhân công làm việc thường xuyên. Bên cạnh đó, chị còn giao nguyên liệu đến một số hộ có sẵn máy để họ gia công. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất được 300 - 450 thiên nhang (mỗi thiên 1.000 cây) để giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. "Người gia công thì hưởng lương theo sản phẩm, trung bình mỗi người nhận từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày" - chị Trinh chia sẻ.
Được biết, nguồn nguyên liệu làm nhang của chị chủ yếu được nhập từ địa phương khác về. Sau khi nhuộm đỏ một phần, tăm nhang sẽ đem phơi cho khô, sau đó tăm nhang và bột sẽ được đưa lên máy để xe rồi mang đi phơi (hoặc sấy) khô, cuối cùng là bó lại thành từng bó để giao cho khách hàng. Do hàng ngày cần phải làm ra một lượng nhang lớn nên ngoài những máy móc như máy xe nhang, máy trộn bột, cơ sở của chị Trinh còn đầu tư một dàn máy sấy nhang.
"Làm nhang không quá vất vả mà khá đơn giản vì máy móc đã hỗ trợ gần như toàn bộ, người thợ chỉ nhuộm tăm, đưa bột vào máy, phơi nhang thành phẩm,... Nhờ công việc này mà mỗi tháng, tôi có thu nhập khoảng 15 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định hơn trước" - chị Trinh chia sẻ thêm. Chủ tịch Hội ND xã Kiến Bình Nguyễn Quốc Thuận cho biết: "Nguồn vốn từ Quỹ HTND giúp các hội viên, nông dân trên địa bàn xã có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế. Trong đó, một số mô hình như trồng mít, nuôi bò, làm nhang,... đạt hiệu quả kinh tế, giúp hội viên, nông dân có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống".
Thông tin từ Hội ND tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng hơn 5,4 tỷ đồng, nâng lũy kế nguồn vốn Hội các cấp đến nay lên gần 82,7 tỷ đồng.
Hiện nay, 15/15 Hội ND huyện, thị xã, thành phố phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND và có nguồn vận động quỹ đạt trên 1 tỷ đồng. 6 tháng qua, các cấp Hội cho vay gần 53 dự án, hơn 331 hộ vay, với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương phân bổ đã giải ngân 2 dự án, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác đã giải ngân 7 dự án, còn là nguồn vốn cấp huyện quản lý.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Quỹ HTND các cấp thu hồi 52 dự án với số tiền hơn 13,8 tỷ đồng của 370 hộ vay.
Theo ông Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An, nhằm nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nhờ đó mà phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Như các mô hình trồng rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An; dự án nuôi bò sinh sản tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ…
Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, giúp đỡ cho hội viên nông dân có điều kiện đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lao động, đất đai của từng vùng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng có giá trị, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị-xã hội ở nông thôn.