Đất nông nghiệp có được coi là đất trồng cây lâu năm không?
Ông Nguyễn Văn Kiên đang sở hữu 2 hecta đất nông nghiệp ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Do thấy tiềm năng kinh tế từ việc trồng cây lâu năm, ông Kiên muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất trồng cây lâu năm (như trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây công nghiệp lâu năm...) để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, ông Kiên cũng như nhiều người nông dân khác, không biết rõ liệu việc chuyển đổi này có vi phạm quy định gì không và cần làm gì để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Kiên cũng không phải là hiếm gặp, hiện bà Phan Thị Huế (Thanh Hoá) đang sở hữu 14 sào đất ở quê cũng đang có câu hỏi liệu chuyển đổi mô hình trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp trồng cây hàng năm có phải xin phép không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư cho biết, tại Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất trồng cây lâu năm là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, đất trồng cây lâu năm chính là đất nông nghiệp.
Mặt khác, đất nông nghiệp lại gồm nhiều loại đất khác nhau: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng,… Điều này cũng có nghĩa, không phải mọi loại đất nông nghiệp đều được trồng cây lâu năm. Người sử dụng đất chỉ được quyền trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm.
Trường hợp người sử dụng đất muốn trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp khác (đất trồng cây hàng năm, đất trồng rừng,…) phải có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc làm thủ tục đăng ký biến động đất đai trong trường hợp không phải xin phép.
Như vậy, đất nông nghiệp là nhóm đất gồm nhiều loại đất khác nhau, để trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp thì đất nông nghiệp đó phải là đất được sử dụng với mục đích trồng cây lâu năm hoặc đã thực hiện thủ tục chuyển mục.
Việc đổi từ trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp khác (đất trồng cây hàng năm, đất trồng rừng...) thì cần thủ tục gì?
Luật sư cho biết, trong trường hợp trường hợp chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm khác thì tùy từng trường hợp cụ thể mà khi chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chỉ cần thực hiện đăng ký biến động.
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng cây hàng năm khác như ngô, đậu tương, lạc... và đất trồng lúa. Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT về việc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải đăng ký biến động đất đai như sau:
"2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm."
Như vậy, trường hợp trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm khác thì không cần phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Theo đó, người sử dụng đất cần lưu ý về hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm các giấy tờ sau: Đơn đăng ký biến động theo mẫu. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồ sơ trên được nộp theo các cách sau:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn).
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã
Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa ở cấp huyện.
Nếu chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai).