Dân Việt

Trương Trọng và 2 lần đối đáp sắc bén, khiến Hán Minh đế im bặt

N.N 10/08/2024 23:00 GMT+7
Chính nhờ tài năng và trí tuệ của mình, Trương Trọng được vua nhà Hán phong cho làm Thái thú quận Kim Thành...

Theo sách Cổ Kim thuận ngôn (những lời nói hay xưa nay) của tác giả Phạm Thái, Trương Trọng là người quận Nhật Nam có học hành ít nhiều và làm thuộc lại trong quận. Bấy giờ nước ta đang lệ thuộc phương Bắc, Trương Trọng được viên Thái thú Nhật Nam cử sang kinh đô Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) để thay mặt Thái thú tâu bày công việc trong quận lên vua Hán.

Cũng sách trên cho biết, vào cuối năm 78, theo lệ mà nhà Hán đặt ra đối với các nước nhỏ lân bang là hằng năm phải cử người về triều để cống nạp sản vật quý hiếm và báo cáo tình hình sở tại cho vua nhà Hán. Khi đó, Trương Trọng được viên thái thú cử sang kinh đô Lạc Dương để tâu bày công việc trong quận lên vua Hán Trương Trọng đến kinh đô rồi vào chầu vua Hán. Hán Minh đế thấy Trương Trọng là người thấp bé lại là dân "man di" (mọi rợ) ngoài cõi xa nên tỏ ý khinh thường và đã hỏi một cách xách mé, trịch thượng rằng:

- Viên tiểu lại nhỏ bé kia người quận nào?

Trương Trọng và 2 lần đối đáp sắc bén, khiến Hán Minh đế im bặt - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Nghe vậy, Trương Trọng khảng khái đáp:

- Thần là Kế Lại, người thay mặt Thái thú Nhật Nam vào chầu vua và dâng sớ lên triều đình, chứ không phải là một viên lại nhỏ. Bệ hạ muốn dùng người có tài cán hay chỉ muốn đo xương thịt?

Vua Hán nghe câu trả lời cứng cỏi và đúng đắn của Trương Trọng xong thì tức lắm nhưng không làm gì được nên đành phải im lặng.

Mấy hôm sau, nhân dịp tết Nguyên đán, vua nhà Hán mở tiệc chiêu đãi quần thần và sứ giả các nơi về chầu. Trăm quan vào hầu và chúc tết vua trong đó có Trương Trọng. Thấy ông, vua nhà Hán nghĩ ngay tới chuyện hôm trước và muốn rửa hận nên nhân đủ các quan ở đấy liền hỏi kháy:

- Nhật Nam có nghĩa là "phía Nam mặt trời". Ta nghe nói tất cả nhà cửa của dân chúng ở quận này tất thảy đều xoay hướng về phương Bắc để trông thấy mặt trời, có đúng phải vậy không?

Thấy vua Hán kiêu ngạo tự ví mình là mặt trời, bắt mọi người phải ngưỡng mộ, sùng bái, Trương Trọng quyết trả miếng. Bởi thế, trước trăm quan cùng một tâm địa cậy thế nước lớn miệt thị nước nhỏ, Trương Trọng chậm rãi đáp rằng:

- Tâu bệ hạ, theo thiện ý của thần thì Nhật Nam không phải là phía Nam mặt trời. Một bậc túc nho không ai hiểu như thế. Đất Trung Nguyên (Trung Quốc) có quận gọi là "Vân Trung" nhưng quận ấy có ở trong mây đâu? Có quận gọi là "Kim Thành" nhưng có phải là thành xây bằng vàng đâu? Ấy là người đời đặt tên thế thôi chứ thực không phải như thế. Lại nữa, ở nơi nào thấy mặt trời cũng đều mọc ở đằng Đông, kẻ thất phu cũng hiểu được như thế. Còn ở xứ Nhật Nam không ai xoay về phương Bắc để trông thấy mặt trời. Ngược lại "lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam" là tục lệ của người dân Nhật Nam. Chứ chẳng ai thay đổi được tục lệ đó.

Ngay lúc đó, vua nhà Hán và quần thần ngây người trước câu đối đáp rắn rỏi, mạnh mẽ của viên sứ thần có tầm vóc bé nhỏ mà trí tuệ lớn. Và chính lời đối đáp rắn rỏi và sự thông minh, nhanh trí của Trương Trọng đã khiến nhà vua thán phục ông một lần nữa .Về sau, chính nhờ tài năng và trí tuệ của mình, Trương Trọng được vua nhà Hán phong cho làm Thái thú quận Kim Thành.

Lời bàn về Trương Trọng

Trong lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt đã ghi lại biết bao chiến công hy sinh anh dũng của những con người quả cảm, đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân... Trong số những người con ưu tú ấy không thể không kể đến tấm gương của các sứ thần, những người luôn phải đấu trí, đấu lực trên mặt trận ngoại giao mà thành công của họ nhiều khi đưa đến những cơ hội thật bất ngờ, khả quan, thậm chí không phải cuộc chiến nào trên chiến trường cũng giành được... mà có khi thắng lợi được mang lại từ sự tài trí của các sứ thần trên bàn đàm phán.

Và trong lịch sử bang giao với các triều đại phong kiến ở phương Bắc, các sứ thần Việt Nam đều thể hiện rõ tài trí, sự ứng xử thông minh, khôn khéo, nhanh nhạy, dũng cảm và nghệ thuật đàm phán kiên trì, linh hoạt đã làm tròn nhiệm vụ được ủy thác, giữ vững và nêu cao quốc thể, đi sứ không làm nhục mệnh vua. Đó là sứ thần Trương Trọng, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Giang Văn Minh, Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Đăng Đạo, Lê Quang Bí, Nguyễn Quốc Trinh, Lê Quý Đôn... họ là những người trí dũng song toàn, bản lĩnh kiên trung, văn chương xuất chúng và ở họ còn có một điểm nữa khác với mọi người là tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến. Và hôm nay nhắc lại chuyện xưa là để hậu thế soi lại mà thấy rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.