Chia sẻ với Dân Việt, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết: "Nhà hát Cải Lương Việt Nam từng dàn dựng hai vở kịch của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đó là "Vua thánh triều Lê" (2015) và "Chiếc áo thiên nga" (2018). Cả hai vở diễn này đều đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc. Lần này, chúng tôi được may mắn dựng vở kịch thứ ba của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Đây chính cũng là một cách chúng tôi bày tỏ sự biết ơn và tưởng nhớ đến nhà viết kịch Lê Duy Hạnh – người đã có rất nhiều đóng góp cho sân khấu Việt Nam.
Với vai trò đạo diễn, tôi thấy mình rất có duyên với các kịch bản của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Tôi đọc thấy những tầng tầng, lớp lớp triết lý ẩn sâu trong từng câu thoại, từng nhân vật của vở diễn… mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị".
Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai, với mỗi kịch bản của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh thì không ai có thể làm vội vàng, qua quýt mà phải vỡ từng con chữ, từng lời thoại, từng hình tượng nhân vật… Với kịch bản "Mặt trời đêm thế kỷ", ê-kíp tham gia vở diễn cũng phải mất 4 tháng để ngấm vở, tập luyện và dàn dựng trước khi chính thức công diễn.
"Mặt trời đêm thế kỷ" là vở diễn do nhà viết kịch Lê Duy Hạnh viết về Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ từng được dàn dựng để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986.
Vở diễn ngợi ca công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ nhưng đồng thời cũng tái hiện những "góc khuất" trong cuộc đời ông. Đó là sau khi phong trào khởi nghĩa của quân Tây Sơn thắng lợi, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mỗi người trấn giữ một vùng. Nguyễn Nhạc lên làm vua, xưng là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn; Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc; Nguyễn Lữ được phong Đông Định Cương cai quản vùng đất Gia Định.
Lúc bấy giờ, ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh nhân lúc quân Tây Sơn lục đục bèn có ý chống lại. Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm - con rể của Nguyễn Nhạc ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Cuối năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến ra Bắc tiêu diệt được Nguyễn Hữu Chỉnh. Tuy nhiên, đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền, tham lam vơ vét tiền của, đẩy dân đen vào khốn cùng… khiến dân phải gửi lời cầu cứu đến Nguyễn Huệ. Biết tin, Nguyễn Huệ lập tức đem quân ra Bắc trừng trị Vũ Văn Nhậm.
Cảnh Nguyễn Huệ xử tội Vũ Văn Nhậm là một trong những cảnh ấn tượng của vở diễn khi ông phải đứng trước sự lựa chọn phép nước – tình nhà. Vũ Văn Nhậm từng là một tướng giỏi, từng cùng anh em nhà Tây Sơn "nếm mật nằm gai" làm nên bao trận thắng lẫy lừng; vừa là cháu rể - chồng của cháu ruột Thọ Hương… vì thế ông rất đau đớn, xót xa. Tuy nhiên, ông không thể vì tình riêng mà làm trái đạo, để cho muôn dân phải chịu cảnh lầm than… cuối cùng ông hỏi ý dân và quyết định chém đầu Vũ Văn Nhậm.
Một cảnh khác trong vở diễn cũng lấy đi nước mắt của nhiều người đó là cảnh Nguyễn Lữ khi từ Gia Định về Quy Nhơn cầu cứu triều đình thì nghe tin Nguyễn Nhạc ra chiếu cắt chức Bắc Bình Vương và từ mặt em trai Nguyễn Huệ đã vì đau đớn quá mà thổ huyết rồi qua đời ngay bên ngai vàng. Nam diễn viên đóng Nguyễn Lữ là Trung Tuấn đã diễn tả sự bàng hoàng và đau đớn tột cùng một cách rất tài tình, tinh tế. Đó cũng là cảnh duy nhất trong vở kịch, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng xuất hiện chung.
Xuyên suốt trong vở diễn, nhân vật Quang Trung – Nguyễn Huệ hiện ra không chỉ với hình ảnh một nhà quân sự thiên tài, một nhà chính trị lỗi lạc, một người tướng rất được lòng dân… mà còn là một con người bằng xương bằng thịt với những hỷ nộ ái ố rất đời thường. Phía sau sự oai phong, dũng mãnh, lẫm liệt của một vị võ tướng thì Nguyễn Huệ cũng là người chồng rất yêu thương và thấu cảm với những nỗi lòng của vợ - công chúa Ngọc Hân, một người anh rất mực yêu thương em trai – Nguyễn Lữ.
"Với vở kịch này, chúng tôi muốn khán giả hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, về những nhân vật lịch sử có thật, nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại. Ít ai hiểu được rằng, phía sau những anh hùng lừng lẫy chiến công như Quang Trung – Nguyễn Huệ đã phải chịu những tổn thất, hy sinh, mất mát to lớn tới cỡ nào.
Vở diễn cũng cho thấy những khó khăn nhất trước khi quyết định đem quân từ Phú Xuân ra Bắc để đại phá quân Thanh làm nên chiến công lừng lẫy thì vị anh hùng "áo vải cờ đào" Quang Trung đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm, kể cả những chia ly, mất mát trong đời sống cá nhân. Đây là quãng thời gian anh em nhà Tây Sơn không còn nắm chặt tay nhau nữa nên khi xem vở diễn chúng ta sẽ có cảm giác nuối tiếc. Nhưng cũng chính từ những thử thách đó mà chúng ta có được một vầng mặt trời chói lọi giữa màn đêm của dân tộc.
Không phải bỗng dưng nhà viết kịch Lê Duy Hạnh lại đặt tên cho vở kịch của mình là "Mặt trời đêm thế kỷ". Mặt trời thường là ban ngày, nhưng ông lại đặt tên mặt trời đêm, không chỉ một đêm mà là… một thế kỷ. Một thế kỷ mới xuất hiện được một mặt trời và mặt trời đó chính là Quang Trung – vị anh hùng của dân tộc Việt Nam", NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ thêm.
Vở cải lương "Mặt trời đêm thế kỷ" có sự tham gia của nghệ sĩ Văn Thuân (vai Nguyễn Huệ), Văn Tuấn (vai Nguyễn Nhạc), Trung Tuấn (vai Nguyễn Lữ), Tuấn Thanh (vai Vũ Văn Nhậm), NSƯT Hồng Hạnh (vai Ngọc Hân), NSƯT Thiên Hoa (vai Thứ Phi), Nguyễn Thủy (vai Thọ Hương), Văn Cường (vai lái buôn), Hồng Gấm (vai Thị Nữ)...