Ngày 12/8, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội với Dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Ông Trần Đình Trữ - Phó chánh Thanh tra TP.HCM cho biết, mặc dù Luật đất đai 2024 có hiệu lực ngày 1/8, nhưng quy định cho phép sử dụng bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành đến ngày 31/12/2025. Do đó, thành phố cần cân nhắc thực hiện bảng giá đất điều chỉnh.
Ông Trữ khẳng định, việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết và chắc chắn phải thực hiện, “nếu không làm bây giờ thì ngày 1/1/2026 cũng phải làm”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất phải hài hòa 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất và lợi ích của người đầu tư.
“Đứng ở góc độ nhà nước tôi rất đồng tình việc điều chỉnh bảng giá đất. Nhưng nếu đứng góc độ người sử dụng đất và doanh nghiệp thì việc sử dụng bảng giá đất điều chỉnh chưa phù hợp, nó gây áp lực kinh tế rất lớn, đặc biệt là các huyện ngoại thành”, ông Hậu nêu.
Ông Hậu ví dụ, ở các huyện ngoại thành có người dân sở hữu hàng chục ha đất và chưa chuyển mục đích sử dụng. Nếu áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, các gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đất đai ở khu vực này sẽ chịu áp lực kinh tế rất lớn.
“Việc tăng giá đất tăng mạnh sau thời gian ngắn như vậy có thể gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng, đặc biệt là người dân ở các huyện ngoại thành. Giá đất tăng mạnh ảnh hưởng đến thị trường, nhiều người muốn bán đất sẽ không bán nữa, để chờ đất tăng”, ông Hậu nói.
Ông Hậu kiến nghị, tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ cho đến 31/12/2025. Như vậy, thành phố sẽ có thêm một năm rưỡi để có thời gian sửa đổi, bổ sung dự thảo này cho phù hợp; đánh giá tác động một cách toàn diện.
Ông Võ Minh Mẫn - Người dân phường 7 (quận 10, TP.HCM) cho biết, theo bảng giá đất điều chỉnh mà Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM đưa ra, có nhiều con đường có mức giá “khó hiểu”. Riêng Đường 3/2, chỉ một con đường xuyên suốt nhưng có đến 3 mức giá khác nhau, chia làm nhiều đoạn. Đường Ngô Quyền và đường Nguyễn Kim có sự tương đồng về nhiều điểm, nhưng lại có sự chênh lệch giá cao theo bảng giá đất điều chỉnh.
Ông Mẫn kiến nghị việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh cần nghiên cứu kỹ, “làm nhanh nhưng không vội”.
Tại hội nghị, Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, rất cần sự điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tăng, nhưng cần xác định tăng vào thời điểm nào và tăng như thế nào?
“Cần thiết phải làm, nhưng phải thực hiện đúng luật, đầy đủ và từng bước; cái nào cần làm trước. Bảng giá đất ban hành phải trên cơ sở hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Cần tổng hợp, lấy ý kiến từ cấp phường/xã lên đến quận/huyện”, Luật sư Hòa cho biết.
Ông Đào Quang Dương - Phó Trưởng phòng Kinh tế đất (Sở TNMT) cho biết, bảng giá đất TP.HCM đang sử dụng đã có hơn 10 năm. Bảng giá đất này phát sinh nhiều bất cập trong thời gian qua, có địa phương nếu theo bảng giá đất này chỉ vài trăm nghìn/m2.
“Bảng giá đất theo Quyết định 02 khá thấp, do đó áp dụng sẽ không hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước”, ông Dương nói.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong những năm gần đây việc bồi thường cho người dân không áp dụng cứng nhắc bảng giá đất hiện hành, mà có sự điều chỉnh để hài hòa lợi ích cho người dân. Từ những dữ liệu điều chỉnh này, Sở TNMT làm cơ sở để xây dựng, đề xuất bảng giá đất điều chỉnh với mục đích đảm bảo lợi ích cho các bên, phù hợp với thực tế.
Về việc bảng giá đất điều chỉnh sẽ làm tăng chi phí khi làm thủ tục đất đai, ông Thắng khẳng định việc lấy diện tích đất, nhân với giá ghi trong bảng giá đất điều chỉnh để suy ra chi phí phải trả là chưa chuẩn. Bởi chi phí đăng ký đất đai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như: thời điểm sử dụng đất, cá nhân thuộc dạng ưu tiên...
Theo Sở TNMT TP.HCM, trong thực tiễn, khi áp dụng Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố được quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2024 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý và tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thì Bảng giá đất hiện hành có những hạn chế sau:
- Bị khống chế bởi quy định tại điểm 6 Phụ lục IX của Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất (tối đa 162 triệu đồng) nên chưa tiệm cận giá đất thị trường.
- Phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 8 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
- Chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (5 năm), khó cập nhật biến động thị trường.
- Thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố.