Dân Việt

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu

Trương Hồng 13/08/2024 13:19 GMT+7
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam được xem là điểm tựa của nhà nông trên địa bàn tỉnh, vì mỗi năm trung tâm đã cung ứng trên 6.500 tấn phân bón các loại cho nông dân trong các vụ mùa.

 Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Yên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam xung quanh việc cung ứng nguồn vật tư nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn.

Mỗi năm cung ứng hơn 6.500 tấn phân các loại cho nông dân

Ông Bùi Quốc Yên cho biết, nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân yên tâm sử dụng vật tư nông nghiệp, phục vụ sản xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã chủ trương chỉ đạo cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân theo tinh thần Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 1.

Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã cung ứng trên 6.500 tấn phân bón các loại cho bà con nông dân nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.H

Trong đó, cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn về vốn sản xuất và cung ứng cây giống ăn quả có chất lượng, cung ứng máy nông ngư cụ… cho hội viên, nông dân.

Chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Bình Điền Quảng Trị triển khai thí điểm từ năm 2013 tại 3 xã nông thôn mới ở thị xã Điện Bàn với tổng số lượng 145,8 tấn phân bón Bình Điền cho hơn 512 hộ nông dân.

Sau 11 năm thực hiện, đến nay, trên toàn tỉnh đã có trên 100.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân ở 140 xã, phường, thị trấn tại 13 huyện, thị xã, thành phố tích cực hưởng ứng tham gia.

Hằng năm, trung tâm đã cung ứng trên 6.500 tấn phân bón các loại như, phân bón Bình Điền (Công ty CP Bình Điền Quảng Trị), phân bón Sao Việt (Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình), Mặt Trời Mới (Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định) cho bà con nông dân nông dân trên địa bàn tỉnh.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 2.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 3.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với phân bón Bình Điền (Công ty CP Bình Điền Quảng Trị), phân bón Sao Việt (Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình), Mặt Trời Mới (Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định) để cung ứng trả chậm cho bà con nông dân nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.H

"Có thể nói rằng, chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân đã đem lại hiệu quả thiết thực, được các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao; được cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng mạnh mẽ; chất lượng phân bón tốt, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và thời tiết khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác nhờ được hướng dẫn kỹ thuật bón đúng, bón đủ nên cây trồng, đặt biệt là cây lúa phát triển bền vững, kháng được nhiều loại sâu bệnh, không bị đỗ ngã; giảm chi phí đầu tư, năng suất cây trồng tăng từ 10 - 15% so với các loại phân bón khác; hầu hết người nông dân đều rất hài lòng khi được tham gia chương trình; đặc biệt thông qua chương trình đã gắn kết giữa nông dân với tổ chức Hội…", ông Bùi Quốc Yên chia sẻ.

Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam Bùi Quốc Yên cho biết thêm, trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, khó khăn về đầu ra vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp lại tăng khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, vẫn còn tình trạng phân bón, giống cây trồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường làm cho nông dân bất an, không yên tâm khi mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 4.

Lễ ký kết hợp tác và cung ứng phân bón trả chậm giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam với các đơn vị. Ảnh: T.H

Nhiều hộ dân còn khó khăn về kinh tế nên việc triển khai thực hiện chương trình cung ứng phân bón và giống cây ăn quả có chất lượng theo hình thức trả chậm có ý nghĩa rất thiết thực cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm, vào đầu mỗi vụ sản xuất, trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố tổ chức hội nghị triển khai chủ trương, cơ chế về chương trình cung ứng phân bón, giống cây ăn quả có chất lượng theo hình thức trả chậm và các chương trình dịch vụ hỗ trợ cho hội viên nông dân.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 5.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu, đây cũng là bệ đỡ giúp nông dân trong vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón trả chậm. Ảnh: T.H

Bên cạnh đó, còn hướng dẫn quy trình kỹ thuật bón phân, thông báo công khai cho bà con nông dân biết về giá cả phân bón, giống cây ăn quả…, và nắm bắt nhu cầu sử dụng phân bón, cây ăn quả của hội viên nông dân.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam giao cho trung tâm ký kết hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị cung ứng phân bón và các cơ sở sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, ổn định hơn so với thị trường, chủ động nguồn phân bón, cây giống đầy đủ, kịp thời để cung ứng cho hội viên nông dân.

Hội viên nông dân đăng ký trực tiếp qua chi, tổ Hội, Hội Nông dân cơ sở và Hội Nông dân các huyện, thị, thành tổng hợp số lượng đăng ký gửi về trung tâm sẽ giao phân bón, cây giống về đến tận nơi cho hội viên nông dân trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình sản xuất, cán bộ của trung tâm phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị, thành và các cơ sở Hội thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây trồng đúng quy trình, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình canh tác của hội viên nông dân.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 6.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 7.

Ngoài cung ứng phân bón trả chậm ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ, cung ứng cây giống chất lượng cho bà con nông dân trên địa bàn. Ảnh: T.H

"Thời gian qua, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân được triển khai theo phương châm "đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất", "chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ" trước hội viên.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu trong quá trình cung ứng các dịch vụ hỗ trợ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên nông dân đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia…", ông Bùi Quốc Yên cho biết.

Cũng theo ông Bùi Quốc Yên, từ thành công của chương trình cung ứng phân bón và cây giống theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam mạnh dạn tiếp tục định hướng, chỉ đạo cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp và Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Cung ứng phân bón trả chậm ở Quảng Nam: Luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu - Ảnh 8.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tham quan mô hình mô hình robot sạ hàng kết hợp bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ vận hành tự động chạy bằng năng lượng mặt trời do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh sáng chế. Ảnh" T.H

"Việc đồng hành và phát huy mạnh vai trò là "bà đỡ" của người nông dân trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Bước đầu, trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân thị xã Điện Bàn triển khai mô hình sản xuất lúa ST25 sử dụng phân bón hữu cơ và đã xây dựng thành công thương hiệu gạo Xứ Quảng để giới thiệu, cung ứng ra thị trường.

Hiện nay, trung tâm đang triển khai mô hình robot sạ hàng kết hợp bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ vận hành tự động chạy bằng năng lượng mặt trời.

Việc ứng dụng mô hình này vào sản xuất nông nghiệp sẽ khẳng định vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong việc sáng tạo các loại hình dịch vụ hỗ trợ nông dân, góp phần giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Hy vọng trong tương lai không xa, nông dân Quảng Nam sẽ tiếp cận nhiều hơn với các trang thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất…", ông Bùi Quốc Yên nhấn mạnh.