Nghị định số 75/2024/NĐ-CP của chính phủ quyết định điều chỉnh tăng lương hưu thêm 15% trên mức lương hưu hàng tháng đối với 9 nhóm đối tượng kể từ ngày 1/7/2024 bao gồm:
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2008; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 (văn bản hết hiệu lực từ 1/6/1993) và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).
Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Người đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1/1/1995.
Trong đó có 7 nhóm đối tượng từ đầu nghỉ hưởng lương hưu trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh tăng lương hưu 15%, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lương hưu thêm theo Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam thì cả nước hiện có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Tính đến nay, tại khu vực thành thị đã có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Cụ thể: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mới đây, BHXH Việt Nam cho biết đơn vị này đang đẩy mạnh phương thức chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng để đảm bảo tốt quyền và lợi ích của người hưởng, bên cạnh các hình thức trả lương khác như chi tiền mặt trực tiếp; chi thông qua chủ sử dụng lao động; chi tại nhà nếu là người già yếu, bệnh tật…
Ngay từ đầu tháng 8, cơ quan BHXH đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng tại BHXH 43 tỉnh, thành phố. Việc nhận lương hưu hay trợ cấp BHXH qua tài khoản là do người thụ hưởng tự nguyện tham gia chứ không bắt buộc.
Ngoài ra, từ ngày 1/9/2024, BHXH Việt Nam cũng thực hiện phương thức chuyển tiền qua tài khoản cá nhân tại 20 tỉnh còn lại.
Theo Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 93, Điều 114, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực từ 1/7/2025) có 3 hình thức nhận lương hưu từ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:
Thông qua tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng.
Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
Thông qua người sử dụng lao động.
Do đó, việc thực hiện trả lương hưu qua tài khoản là không bắt buộc đối với người nhận lương hưu. Mọi người có thể tùy chọn phương thức nhận lương hưu qua 3 hình thức nêu trên.