Dân Việt

Say cà phê, khi nào cần gặp bác sĩ?

Võ Hồng Thu 14/08/2024 16:46 GMT+7
Cà phê là một đồ uống dễ gây nghiện. Nhưng cà phê cũng còn có thể gây say nữa.

Tình trạng say cà phê có thể gọi là nhạy cảm với cà phê. Thành phần chính trong cà phê là caffeine - đó chính là nguyên nhân dẫn đến chứng say cà phê thường gặp ở nhiều người, theo giải thích của TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam).

img

Tình trạng say cà phê có thể gọi là nhạy cảm với cà phê.

Say cà phê là gì và vì sao chúng ta bị say cà phê?

Caffeine có vai trò kích thích quá trình giải phóng epinephrine và norepinephrine ở tuyến thượng thận, những hormone này sẽ tiếp tục kích thích quá trình hoạt động của các tế bào và tăng tốc các phản ứng xảy ra trong cơ thể. Caffeine là một chất kích thích tự nhiên ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương, làm cho người dùng cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn. Nhờ đó, nếu sử dụng với một liều lượng phù hợp, người uống cà phê có thể xua tan các cơn buồn ngủ, mệt mỏi và tăng mức độ tập trung của não bộ, đồng thời cũng có thể cải thiện hệ tiêu hoá và loại bỏ các cơn đau trong cơ thể. Nhiều người uống tới vài ly cà phê trong ngày vì họ thấy rằng nó làm cho họ làm việc hiệu quả hơn. Hầu hết mọi người có thể an toàn khi uống chừng 2 ly cà phê nhỏ mỗi ngày.

img

Hầu hết mọi người có thể an toàn khi uống chừng 2 ly cà phê nhỏ mỗi ngày.

Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với chất caffeine và sau khi dung nạp một lượng caffeine nhất định, hoặc lạm dụng cà phê bằng cách uống cà phê đậm đặc vào những thời điểm không phù hợp sẽ dẫn đến triệu chứng say cà phê với rất nhiều hệ quả như: Cảm giác bồn chồn gây khó chịu; cáu gắt; khó ngủ hoặc mất ngủ; lo lắng hoặc căng thẳng; đau bụng; tăng nhịp tim hoặc tăng huyết áp; co thắt cơ; co thắt bụng… Caffeine kích thích cơ thể tiết ra axit dịch vị gây tổn tương niêm mạc dạ dày, khiến người uống cà phê cảm thấy cồn cào ruột gan. Do tuyến thượng thận tăng cường sản xuất nội tiết tố nên tim sẽ đập nhanh hơn khiến cho người uống cà phê bị run run và thiếu tự chủ.

img

Cà phê là đồ uống được nhiều người ưa thích nhưng cũng gây ra một số phiền phức.

Những người nhạy cảm với cà phê có thể bị rối loạn đường tiêu hóa hoặc các triệu chứng liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác có thể trở nên tồi tệ hơn. Cà phê có thể làm ợ nóng và các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản tồi tệ hơn. Caffeine trong cà phê có thể làm giãn cơ vòng ở đầu dưới của ống thực quản, gây ra trào ngược dịch vị dạ dày. Mọi người quen gọi hiện tượng này là “dị ứng caffeine”, nhưng thực tế “dị ứng caffeine” rất hiếm gặp và triệu chứng thường mãnh liệt hơn, như là nổi mày đay, khó thở, đau bụng, tiêu chảy và tụt huyết áp.

Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc cạnh tranh với caffeine trong việc sử dụng men chuyển hoá ở gan, như thuốc ngừa thai, theophyline… thì cũng có thể dễ say hơn khi uống cà phê, dù cơ thể không thuộc loại nhạy cảm với caffeine.

Say cà phê, phải làm gì?

Triệu chứng gây ra bởi sự nhạy cảm với cà phê thường sẽ biến mất nếu người đó ngừng uống cà phê hay thức ăn, uống chứa caffeine.

Khi có dấu hiệu say cà phê thì không nên cố uống theo sở thích nữa mà uống một thìa nhỏ mỗi ngày để cơ thể quen, rồi tăng lượng dần. Sau nhiều ngày mà dù uống lượng nhỏ cũng vẫn say, thì không nên uống.

Bạn vẫn có thể thỏa mãn cơn thèm cà phê bằng cách dùng loại pha loãng hơn (theo kiểu Americano chẳng hạn) để lượng caffeine nạp vào một cách từ từ, cơ thể có đủ thời gian chuyển hoá. Hoặc cũng có thể chọn các loại hạt cà phê chứa ít caffeine (như hạt arabica) để giảm bớt lượng caffeine nạp vào.

Không nhiều người biết, các loại thực phẩm chứa caffeine (trà, nước tăng lực, sô cô la…) khi sử dụng cùng lúc sẽ làm tăng lượng caffeine nạp vào và gây ra triệu chứng nhạy cảm caffeine”.

img

Nhấm nháp socola khi uống cà phê có thể làm gia tăng tình trạng say cà phê.

Khi có cảm giác say cà phê thì ngay lúc đó nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Cảm giác khó chịu nhiều thì nên đi khám bác sĩ và khi có triệu chứng nặng như co giật phải cần can thiệp điều trị.