Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở) giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Trong đó, 15.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kết quả giải ngân gói 120.000 tỷ đồng sau hơn 1 năm triển khai rất thấp. Gói này mới giải ngân được hơn 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà.
Bên cạnh đó, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm các ngân hàng TP Bank, VPBank, MBBank và TechcomBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, nâng gói tín dụng lên 140.000 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3 - 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (hiện lãi vay mua nhà ở xã hội của gói này là 7,5%/năm).
PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tính chất của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội theo đề nghị của Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu có thể sẽ tương tự với gói 30.000 tỷ đồng năm 2013. Tuy nhiên, Ngân hàng chính sách xã hội từ 1/8/2024 đã nâng mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8% lên 6,6%. Mức lãi suất này cao hơn so với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây.
"Nếu gói 30.000 tỷ đồng mới nếu áp dụng mức lãi suất cho vay 6,6% (theo lãi suất cho vay mua nhà của Ngân hàng chính sách xã hội) thì sẽ thấp hơn mức lãi suất cho vay mua nhà hiện nay của gói 120.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, hiện là 7,5%/năm. Cùng với đó, mức lãi suất cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội cũng được khống chế cố định nên mức ưu đãi vẫn tốt hơn trong dài hạn so với gói 120.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp và người dân quan tâm đến nhà ở xã hội", ông Thịnh nói.
Theo Thủ tướng, một nửa nguồn vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới sẽ lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp cần thiết để tăng nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội nhưng cần đảm bảo mức lãi suất cho vay thấp nhằm thu hút người tham gia.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà một nửa là nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ thì lãi suất cho vay của gói này cũng phải phụ thuộc việc phát hành trái phiếu rẻ hay đắt.
"Khi phát hành trái phiếu sẽ phải cộng các chi phí quản lý để tính ra một mức lãi suất cho vay phù hợp. Gói tín dụng mới nếu áp dụng theo mức lãi suất cho vay mới tăng lên của Ngân hàng chính sách xã hội là 6,6% thì vẫn cao. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay thì rất khó áp dụng được mức lãi suất dưới 5% như giai đoạn trước đây. Do vậy, việc xây dựng gói tín dụng mới cho vay ưu đãi nhà ở xã hội cần tính toán kỹ lưỡng sao cho hiệu quả", ông Thịnh nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng phát hành trái phiếu Chính phủ là phương thức huy động vốn dài hạn từ xã hội kể cả trong nước và nước ngoài để thực hiện chương trình dài hạn phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ở của số đông người dân. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ làm nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của Chính phủ, điều này đã được Luật Nhà ở 2023 cho phép.
"Tuy nhiên, trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành với lãi suất bao nhiêu để hút được nhà đầu tư. Lãi suất cho doanh nghiệp, tổ chức vay lại để xây dựng nhà ở xã hội cần cân nhắc ở mức phù hợp và thời hạn cho vay phải kéo dài khoảng 20 năm để thu hút người tham gia", ông Châu kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội như mới đề xuất này tương tự với chính sách trước đây của Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp trong bối cảnh cần có thêm nguồn lực để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
"Đối với gói tín tụng mới này thì lãi suất cần phù hợp với nguồn lực của Chính phủ và nếu có áp dụng theo mức lãi suất cho vay 6,6% ổn định trong thời gian dài của Ngân hàng chính sách xã hội là hợp lý. Và thời hạn cho vay từ 10 - 15 năm là phù hợp", ông Hùng đánh giá.
Tháng 6/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội được ban hành với rất nhiều kỳ vọng từ phía người dân cũng như cơ quan quản lý. Trong đó, 70% ngân sách gói hỗ trợ được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội cũng thuộc diện vay ưu đãi với tối đa 30% còn lại.
Lãi suất của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng năm 2013 nhiều lần điều chỉnh kể từ khi chính sách có hiệu lực. Ban đầu, lãi suất của các khoản vay đến tay người dùng được cố định ở mức 6%/năm, mức khá thấp vào thời điểm ban hành chính sách. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm triển khai với tốc độ ì ạch, đến giữa năm 2014, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 5%. Do vậy, lãi suất gói vay được giảm xuống còn 5%/năm.