Thông qua hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội Nông dân tỉnh Long An đã thành lập 947 chi hội, 4.238 tổ hội nông dân nghề nghiệp, là nền móng vững chắc của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Hữu Hiệp (xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.
Theo đó, năm 2022, được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện Cần Đước, ông Hiệp đã đầu tư mua giống, hệ thống tưới tự động, phân bón để sản xuất rau màu.
Ông Hiệp cũng được Hội Nông dân tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu.
Nhờ đó, vườn rau của ông phát triển nhanh. Ông trả vốn đúng hạn và tiếp tục vay vốn mới để mở rộng quy mô sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh Long An khuyến khích nông dân vay vốn Quỹ HTND tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
"Từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân huyện, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư sản xuất.
Các loại rau màu mà tôi thường trồng là dưa leo, bầu, bí, khổ qua,... Trung bình mỗi năm, tôi sản xuất từ 3-4 vụ, lợi nhuận mỗi vụ từ 40-70 triệu đồng" - ông Hiệp chia sẻ.
Tại huyện Tân Thạnh, nguồn vốn từ Quỹ HTND được Hội Nông dân huyện triển khai hiệu quả, giúp nông dân có điều kiện để chuyển đổi, phát triển sản xuất. Điển hình như anh Lê Trọng Nghĩa (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) đã chuyển đổi nuôi cá tra sang trồng mít Thái với sầu riêng.
Anh Nghĩa bộc bạch: "Sau nhiều vụ nuôi cá tra giống bị thua lỗ, tôi muốn chuyển đổi mô hình sang trồng cây ăn trái, tuy nhiên không có đủ nguồn vốn để lấp ao, mua cây giống. Biết được Hội Nông dân huyện có tạo điều kiện cho nông dân vay vốn từ Quỹ HTND để sản xuất, tôi đã nộp hồ sơ và được duyệt vay số tiền 100 triệu đồng".
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, anh Nghĩa đã có điều kiện để cải tạo đất, chuyển từ nuôi cá tra bột sang trồng mít Thái xen với sầu riêng. Hiện anh Nghĩa đã thu hoạch được 1 đợt mít với sản lượng khoảng 15 tấn, còn sầu riêng thì được hơn 1 năm tuổi và phát triển tốt.
Hỗ trợ hội viên nông dân Long An liên kết sản xuất
Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Long An đạt hơn 82 tỷ đồng, cho vay gần 400 dự án với hơn 2.300 hộ vay. Thông qua hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội Nông dân tỉnh Long An đã thành lập 947 chi hội, 4.238 tổ hội nông dân nghề nghiệp, là nền móng vững chắc của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp (Hội đã thành lập hơn 1.256 tổ hợp tác, 208 hợp tác xã), đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Long An, để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp Hội Nông dân các cấp xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, thẩm định, giải ngân kịp thời nguồn vốn. Hội cũng tập huấn kỹ thuật và kỹ năng quản trị tổ chức sản xuất giúp nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số; tham gia sử dụng dịch vụ thương mại điện tử; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh các kết quả, hoạt động của Quỹ HTND còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nguồn vốn cho vay ở một số địa phương còn nhỏ, lẻ, mức cho vay còn thấp, công tác nghiệp vụ quản lý vốn, sổ sách kế toán ở cấp cơ sở ở một vài địa phương chưa đạt yêu cầu, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm tạo điều kiện để Hội tổ chức vận động xây dựng Quỹ HTND.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Văn Hùng cho biết: "Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát triển, tăng trưởng nguồn vốn của Quỹ HTND bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh nỗ lực lựa chọn những dự án có tính khả thi cao để triển khai, thực hiện, xây dựng mô hình theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, mô hình điển hình để nhân rộng".