Gần nhất là bệnh nhân nam V.N.B. (trú tại Phương Nam – TP Uông Bí, Quảng Ninh) bị bỏng nặng tay và vùng bụng vì hành động rất dại dột.
Trong quá trình đốt vàng mã, thấy ngọn lửa tắt, ông B đã đổ thêm xăng vào tàn lửa vào khiến ngọn lửa bùng lên. Hậu quả người đàn ông phải nhập viện vì bỏng độ 2 vùng cẳng, bàn tay, vùng bụng diện tích 6%.
Như trường hợp của một người bệnh nữ N.T. T. 64 tuổi (Yên Thanh – Uông Bí), trong lúc tháo bình ga để di chuyển, lượng khí ga trong dây dẫn vẫn còn và gặp lửa, ngọn lửa bùng. Người bệnh bị bỏng và phải nhập viện trong tình trạng bỏng độ II nhiều vùng cơ thể: mặt, cẳng chân, cẳng tay diện tích 18%.
Theo bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình & bỏng, bỏng là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, gây ra tổn thương đau đớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Nếu bị bỏng và không được xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ ngộ độc khí, bỏng đường hô hấp (mắt, mũi, miệng…) gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chưa kể đến nếu các trường hợp bỏng diện rộng sẽ để lại sẹo dính ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng vận động của người bệnh sau này.
Để đề phòng bị bỏng, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng trong mọi trường hợp bởi nguy cơ bỏng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nếu chẳng may bị bỏng, hãy nhanh chóng đưa người bị bỏng đến các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành cấp cứu và điều trị. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà bằng các bài thuốc, cách chữa mẹo chưa được kiểm chứng.
Các vết thương hở do bỏng, nguy cơ nhiễm trùng là rất lớn, nếu tự ý đắp lá, điều trị tại nhà sẽ dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến vết thương bị tổn thương nặng nề, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.