Dân Việt

Người dân TP.HCM có thể góp ý dự thảo Bảng giá đất qua mạng internet

Quang Sung 17/08/2024 11:47 GMT+7
Nhằm có thêm thông tin của người dân, lắng nghe các đề xuất, Thành ủy TP.HCM đã tạo đường link để nhận những góp ý của người người dân về dự thảo Bảng giá đất ở TP.HCM.

Thành ủy TP.HCM vừa công bố đường link để người dân tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến liên quan đến dự thảo Bảng giá đất ở TP.HCM.

Cụ thể, để có thêm thông tin của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo điều chỉnh bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thực hiện cuộc khảo sát nhằm thăm dò dư luận xã hội trên mạng internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố.

Thời gian thực hiện khảo sát diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23/8. Người dân có thể tham gia khảo sát tại đây.

Người dân TP.HCM có thể góp ý dự thảo Bảng giá đất qua mạng internet- Ảnh 1.

Người dân TP.HCM có thể góp ý về dự thảo Bảng giá đất qua đường link do Thành ủy TP.HCM cung cấp. Ảnh: Quang Sung

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lấy ý kiến dự thảo về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 về bảng giá đất trên địa bàn. Theo dự thảo, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5 - 10 lần so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay), đặc biệt là các huyện ngoại thành.

Theo dự thảo, giá đất ở đô thị cao nhất của TP.HCM là 810 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm quận 1 như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. So với bảng giá đất hiện hành, giá đất dự kiến này đã tăng gấp 5 lần. Đơn cử, bảng giá đất đường Đồng Khởi, Lê Lợi từ 162 triệu đồng/m2 tăng lên 810 triệu đồng/m2 (tăng 648 triệu đồng/m2).

Mới đây, tại hội nghị phản biện về quyết định điều chỉnh bảng giá đất do MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất phải hài hòa 3 lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất và lợi ích của người đầu tư.

“Đứng ở góc độ Nhà nước tôi rất đồng tình việc điều chỉnh bảng giá đất. Nhưng nếu đứng góc độ người sử dụng đất và doanh nghiệp thì việc sử dụng bảng giá đất điều chỉnh chưa phù hợp, nó gây áp lực kinh tế rất lớn, đặc biệt là các huyện ngoại thành”, ông Hậu nêu.

Ông Đào Quang Dương - Phó Trưởng phòng Kinh tế đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bảng giá đất TP.HCM đang sử dụng đã có hơn 10 năm. Bảng giá đất này phát sinh nhiều bất cập trong thời gian qua, có địa phương nếu theo bảng giá đất này chỉ vài trăm nghìn/m2.

“Bảng giá đất theo Quyết định 02 khá thấp, do đó áp dụng sẽ không hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước”, ông Dương nói.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết bảng giá đất điều chỉnh được một bên tư vấn tham mưu cho Sở. Hiện bảng giá đất này vẫn đang trong giai đoạn trình duyệt, do đó sẽ còn nhiều điều chỉnh cho đến khi được chính thức áp dụng.