Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Tim Mạch – Thận của bệnh viện vừa điều trị cho 1 bệnh nhi bị hội chứng thận hư với những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhi N.T.L (3 tuổi, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng sưng hai mi mắt, phù to toàn thân, bụng chướng nhẹ. Bệnh nhi được chỉ định làm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm bụng. Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy tình trạng protein (albumin) giảm, cholesterol trong máu tăng, protein nhiều trong nước tiểu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận hư, có dịch ổ bụng, đạm máu giảm thấp phải nhập viện ngay.
Nếu chậm trễ, bệnh nhi có thể bị tụt huyết áp và suy tuần hoàn. Các bác sĩ đã truyền cấp cứu Albumin – một loại đạm đặc biệt giúp kéo nước vào mạch máu tránh suy tuần hoàn và giảm phù. Đồng thời điều trị bằng thuốc đặc hiệu Prednisolon.
Sau 2 tuần điều trị theo phác đồ, cháu bé hết phù, tiểu bình thường và được ra viện điều trị ngoại trú, hẹn tái khám định kì.
Bác sĩ Võ Thị Thắm (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng một lượng lớn protein (albumin) bị mất qua nước tiểu, gây ra tình trạng giảm protein trong máu.
Protein có nhiều vai trò quan trọng với cơ thể, trong đó vai trò giữ nước trong lòng mạch, đảm bảo tuần hoàn là hết sức quan trọng. Khi lượng protein trong máu của trẻ quá thấp thì nước sẽ thoát ra các mô kẽ, gây tình trạng phù nề, tràn dịch đa màng nặng hơn nữa là suy tuần hoàn.
Vì vậy, trẻ bị hội chứng thận hư có triệu chứng nước tiểu có nhiều bọt, đôi khi có tiểu máu, phù ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như mặt, tay, chân, bụng, tràn dịch đa màng…
Hội chứng thận hư là bệnh lý cầu thận thường gặp nhất và ngày càng có xu hướng gia tăng, phổ biến ở độ tuổi từ 2-10 tuổi.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, tràn dịch đa màng, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, bệnh thận mãn ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ.
Phần lớn, bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ thông thường, ổn định từng đợt nhưng thường tái phát một số ít trường hợp kháng thuốc cần sinh thiết thận và điều trị phức tạp hơn.
Bác sĩ Thắm nhấn mạnh: "Trong điều trị hội chứng thận hư, một yêu cầu vô cùng quan trọng là phải theo dõi trẻ lâu dài và tuân thủ điều trị một cách chính xác.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, thuốc lá để điều trị vì một số thảo dược có thể gây suy thận âm thầm mà hiệu quả chưa được kiểm chứng. Không nên dùng thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng vừa không có tác dụng chữa bệnh lại tốn kém.
Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu như phù, tăng cân nhanh, đi tiểu ít, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nặng nề đáng tiếc có thể gặp phải".