Sáng 18/8, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chủ trì Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”.
Sẽ hoàn thành 3.000km cao tốc theo đúng tiến độ
Lễ phát động diễn ra tại công trình thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tại nút giao cuối tuyến, Km117 thuộc xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk). Lễ phát động được trực tuyến tại 13 điểm cầu của 13 tỉnh, thành - nơi các dự án cao tốc đang hoàn thành và nơi xử lý nguồn vật liệu cho công trường.
Tại Lễ phát động 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường cao tốc, trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là sự kiện rất có ý nghĩa trong không khí cả nước sôi động thi đua hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đặc biệt, sự kiện càng có ý nghĩa khi Đắk Lắk là trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên, vùng trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh nhưng lại là vùng trũng về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược.
Trong khi quy hoạch vừa qua, cần hoàn thành mục tiêu 1.900km đường cao tốc cho Tây Nguyên sau năm 2030. “Đây là quy hoạch đầy tham vọng, khó khăn nhưng không thể không làm cho Tây Nguyên. Chúng ta sẽ hoàn thành 1.900km đường bộ cao tốc tại Tây Nguyên, kết nối Đông-Tây, kết nối Nam-Bắc và các trục dọc hướng tâm đến các trung tâm lớn. Đây là công việc nặng nề nhưng rất có ý nghĩa đối với Tây Nguyên. Tri ân đồng bào Tây Nguyên bằng những việc làm cụ thể, trong đó có việc phải hoàn thành cho bằng được 1.900km cao tốc sau năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai thành công, hiệu quả đợt thi cao điểm này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp uỷ Đảng phải quyết liệt, chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, đồng thời vận động người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ; phát huy, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra.
"Về tổng thể, các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, thường xuyên vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu qua đã đặt ra với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả". Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực, "chỉ bàn làm không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm"", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 1.148km cao tốc
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo quy hoạch mạng lưới cao tốc toàn quốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài 9.014km. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 13 tuyến với chiều dài 3.841km.
Trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài khoảng 1.899km, gồm: 1 tuyến trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài 495km từ Ngọc Hồi - Chơn Thành. Trong đó đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành 140km đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; còn lại đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa 355km đang nghiên cứu đầu tư.
8 tuyến trục ngang với chiều dài khoảng 1.404km bao gồm: Đã đầu tư, toàn khu vực Tây Nguyên mới có 19km cao tốc Liên Khương – Prenn; đang đầu tư 117km đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, phấn đấu hoàn thành 68/117km năm 2025 và 49km còn lại hoàn thành cuối năm 2026; đang chuẩn bị đầu tư 381km gồm các đoạn, Quy Nhơn - Pleiku (180km), Dầu Giây - Liên Khương (201km đã phê duyệt chủ trương đầu tư); đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư 136km đoạn Kon Tum - Quảng Ngãi.
Như vậy đến cuối năm 2025 khu vực Tây Nguyên sẽ có 87km cao tốc, năm 2026 sẽ có 136km cao tốc và năm 2030 phấn đấu có 1.148km cao tốc.
Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, đến nay cả nước đã có 2.021km đường bộ cao tốc. Thời gian qua, các địa phương, đơn vị liên quan quyết tâm cao độ, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV.
"Hôm nay, Thủ tướng trực tiếp phát động phong trào "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc". Đây là nguồn cổ vũ và động lực lớn lao đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động toàn ngành GTVT", ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trước đó, chiều 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công trên công trường Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tại đây, Thủ tướng bắt tay động viên, thăm hỏi các cán bộ, công nhân và từng người lao động; đồng thời khích lệ các nhà thầu, mũi thi công phát huy tối đa tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "chỉ bàn làm không bàn lùi", để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
"Mưa nhỏ coi như không mưa, mưa to coi như mưa nhỏ, mưa thật to căng bạt thi công", Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời động viên tinh thần vượt khó trong mọi hoàn cảnh, khuyến khích có các giải pháp thi công linh hoạt, hiệu quả.
Đón nhận tình cảm chân thành của người dân địa phương, Thủ tướng cho hay, công trình trọng điểm quốc gia nên rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của nhân dân vì mục tiêu chung, giao thông đi trước mở đường, phát triển kinh tế-xã hội...
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117km với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 dài khoảng 32km trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do UBND tỉnh này làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 dài khoảng 37,5km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 dài hơn 48km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do UBND tỉnh này làm chủ đầu tư.
Đến nay, dự án thành phần 1 qua tỉnh Khánh Hòa giá trị xây lắp đạt 20%; dự án thành phần 2 có tổng giá trị khối lượng xây lắp đạt gần 7%; dự án thành phần 3 đạt hơn 15% giá trị. Dự án cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, đến năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027 theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: "Với trách nhiệm của mình, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện hoàn thành dự án thành phần 3 trong năm 2025 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ".