Hồi 22 của nguyên tác Tây Du Ký nói về đoạn Đường Tăng thu phục Sa Tăng. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao Tôn Ngộ Không không xuống dưới thuyết phục Sa Tăng mà để Trư Bát Giới đi? Tiếp đến, hồi 49 của nguyên tác, Đường Tăng bị Kim Ngư Tinh bắt xuống dưới đáy sông Thông Thiên Hà, Tôn Ngộ Không lại nói hai sư đệ thương lượng xem ai xuống nước cứu, còn bản thân không có ý định đi?
Chính Tôn Ngộ Không cũng đã thú nhận ở thời điểm đó rằng mình đánh đông đánh tây, dọc ngang đất trời nhưng lại rất ngại đánh nhau dưới nước.
“Nếu đánh dưới sông, ta đều phải niệm Tị thủy quyết, hoặc phải biến thành hình dạng cá cua mới có thế đi được, như vậy sao có thể đánh nhau với yêu quái”, Tôn Ngộ Không nói với Trư Bát Giới ở hồi 49 nguyên tác Tây Du Ký.
Nguyên nhân cũng vì tính cách ngông nghênh một thời của Tôn Ngộ Không. Chuyện kể rằng khi theo học sư phụ Bồ Đề, Tôn Ngộ Không được dạy Cân Đẩu Vân cùng 72 phép thần thông biến hóa. Nhưng khi chuẩn bị học đến thủy chiến thì Hầu vương bắt đầu “giở chứng”, phá phách gây tai họa. Biết Tôn Ngộ Không trái lời mình, biểu diễn phép thuật học được trước mặt đồng môn, sư phụ Bồ Đề tức giận bấm quẻ thì biết hắn sắp gây đại họa. Ông đã đuổi Tôn Ngộ Không đi mà chưa kịp dạy cho hắn về thủy chiến.
Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng Tôn Ngộ Không ngại thủy chiến vì theo luật ngũ hành. Hầu vương là một con khỉ đá, đá khi xuống nước sẽ chìm. Trước đó Tôn Ngộ Không còn từng bị luyện trong lò bát quái nên mang thêm cả tính lửa, chắc chắn khắc với nước. Tây Du Ký vốn có quy luật vạn vật tương sinh tương khắc, thiên ngoại hữu thiên nên việc Tôn Ngộ Không sợ nước cũng rất dễ hiểu.