Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn năm nay của trường cao nhất là ba ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử với 29,30 điểm, Sư phạm Địa lí có điểm chuẩn 29,05. Đây là mức điểm rất cao trong khi năm ngoái, điểm chuẩn của trường không có ngành nào đạt mốc 29.
Thông tin này đã nhận được quan tâm lớn từ dư luận vì năm nay không chỉ riêng ngành Sư phạm mà nhiều ngành khác cũng có điểm chuẩn cao gần kịch trần.
Nói về điểm chuẩn đại học cao bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục sáng 19/8, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Đến thời điểm này, hầu hết trường đại học đã công bố điểm chuẩn. Chúng ta đều thấy nhìn chung điểm vào khối trường Sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Có nhiều lý do tăng, một trong những lý do là chính sách của Bộ GDĐT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí đã thu hút số lượng thí sinh đăng ký (theo số liệu của Bộ, số lượng đăng ký vào Sư phạm tăng vọt). Như vậy chúng ta hình dung chỉ tiêu có hạn nhưng số đăng ký tăng mạnh, những bạn top trên mới có đủ điểm để vào. Đó là dấu hiệu tích cực. Riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì có điểm khác nữa, đó là theo quy chế của Bộ có yêu cầu tuyển Học sinh giỏi quốc gia. Năm vừa rồi có khoảng 300 em đăng ký vào, có cả ngành xã hội. Với những trường hợp như thế đương nhiên các bạn được tuyển thẳng, làm cho điểm chuẩn phương thức khác tăng".
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: "Nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với năm khác thì có vẻ như điểm năm nay cao quá, nhưng nếu nhìn nhận đúng là tuyển sinh đại học, tuyển những người có năng lực để mang tính lựa chọn từ trên xuống dưới, nếu nhiều người ở top trên rồi thì đương nhiên người top dưới mất cơ hội".
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: "Đứng về phía phụ huynh thì băn khoăn 9 điểm một môn không đỗ thì có thật, tuy vậy nếu điểm cao như thế thì các em không trúng ngành này sẽ trúng ngành khác bởi vì có nhiều nguyện vọng. Tôi thấy là chuyện bình thường trong cuộc sống vì không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn riêng bản thân mình. Chúng ta giỏi nhưng xung quanh có thể có những người giỏi hơn".
Chia sẻ về tuyển sinh năm 2025, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn tiết lộ: "Thực ra trong bối cảnh năm tới, lời khuyên của chúng tôi là thí sinh nên hết sức chú ý về mặt chính sách của các nhà trường và Bộ. Trong hội nghị mới đây, Bộ cũng đưa ra một số định hướng cho việc thi sang năm (xét tuyển sớm, định hướng có thay đổi nhất định, cách thi năm 2025...). Chưa thể nói chắc sẽ có phương thức nào trong năm tới, nhưng nguyên tắc là giữ ổn định, như vậy chắc chắn sẽ có phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp".
Trước vấn đề điểm chuẩn cao gây xôn xao dư luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay: "Có nhiều lý do như cách tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh nhiều nguyện vọng, công bằng, thuận lợi. Việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường đại học cũng có thông tin kỹ hơn, các em lựa chọn sáng suốt hơn. Thông tin các trường, ngành đào tạo cũng ngày càng minh bạch, rõ ràng. Các trường đào tạo tốt, ngành học có nhu cầu nguồn nhân lực cao thì các em sẽ tập trung vào nhiều. Có ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng thu hút lượng lớn thí sinh nên đẩy điểm chuẩn lên. Điểm khối C năm nay cao lên thì Bộ cũng có đánh giá từ đầu khi so sánh điểm năm 2024 với 2023".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nêu quan điểm: "Chúng ta không nên quan tâm ở phổ điểm trung bình mà ở phân khúc điểm cao chênh lệch khá rõ; sự khác nhau các phương thức hay sự phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh hay không, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức để dẫn tới việc thí sinh đăng ký theo phương thức tốt nghiệp THPT có ít đi không. Bộ sẽ phân tích kỹ để đánh giá.
Bình thường nếu phương thức bảo đảm công bằng thì không có vấn đề gì, chỉ sợ không đảm bảo thì các em ở phương thức khác vào đại học dễ dàng hơn, gây thiệt thòi cho các em khác".
Nói về điểm chuẩn ngành Sư phạm tăng cao, Thứ trưởng Sơn cho rằng: "Điểm khối Sư phạm cao là tín hiệu cho chúng ta thấy nhu cầu xã hội, tuyển dụng bổ sung nhà giáo, nhất là giáo viên một số môn. Tổng chỉ tiêu cho ngành Sư phạm có ít, đặc biệt là những trường uy tín như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm cũng ít hơn hẳn nên đẩy điểm chuẩn lên. Chỉ tiêu đẩy xuống một chút thì điểm chuẩn tăng lên. Chúng ta mừng vì đầu vào cao, chứng tỏ các em quan tâm hơn.
Chúng ta đào tạo trước mắt nhưng cũng phải tính lâu dài với biến động dân số, phải đào tạo có tích lũy chứ không phải thấy thiếu là đào tạo ngay. Những năm trước chỉ tiêu 40.000-50.000 nhưng không tuyển hết".