Chúng ta đều biết, hiện trong xã hội, không phải ai cũng thuộc diện được mua nhà ở xã hội, mà chỉ những đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần và đủ theo quy định pháp luật mới được mua. Đó là cả một chủ trương lớn, rất nhân văn mà Đảng và Nhà nước luôn trăn trở, tính toán rất kỹ.
Điều 49, Luật Nhà ở 2014 quy định 10 đối tượng được mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở 2023 bổ sung thêm các đối tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã ở trong khu công nghiệp; thân nhân liệt sĩ; công chức, viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ, người làm công tác cơ yếu, công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; học sinh các trường chuyên biệt được mua nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8 nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội. Quy định trong luật mới không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập như thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chưa được mua hoặc thuê mua NƠXH; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức...
Tôi nghĩ, qua các quy định trên, Nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm đến đối tượng người có thu nhập thấp trong xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Điều này vừa đúng, vừa mang tính nhân văn nhất định. Song, lại có những yếu tố chưa hợp lý là quy định về nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội hiện hành lại không xem xét cho những người có thu nhập thực sự, đủ khả năng chi trả khoản mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, nhóm đối tượng trong luật quy định được mua nhà ở xã hội lại rất khó có khả năng chi trả. Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 quy định rằng: Đối tượng phải là người có thu nhập hàng tháng từ 11 triệu đồng trở xuống (tức là 132 triệu đồng/năm) nếu không có người phụ thuộc.
Ấy là tôi chưa bàn đến một cách người ta sẽ lách quy định, không vội nhận tăng lương 1- 2 năm để "được" nằm ở diện nghèo chờ xét mua nhà xong sẽ tính. Rồi trong cuộc sống, đối tượng được mua nhà ở xã hội nên có mấy nhân khẩu thì cần ưu tiên trước cũng không rõ, chúng ta cũng nên bàn.
Theo tôi, việc lấy quy định người có thu nhập hàng tháng phải dưới 11 triệu đồng thì được xét mua nhà ở xã hội là chưa hợp lý. Bởi, trong thực tế, với mức thu nhập này, họ rất khó đủ trang trải sinh hoạt, nói gì đến tích lũy hàng tháng để tiết kiệm mua nhà.
Nên chăng hãy xét và bán nhà ở xã hội cho người có thu nhập cao hơn con số 11 triệu đồng/tháng thêm vài ba triệu nữa. Cụ thể bao nhiêu thì Nhà nước cần phải tính toán thật kỹ.
Chưa kể đến khía cạnh Nhà nước nên khuyến khích người có thu nhập ở mức đã được đóng thuế thu nhập cá nhân, tức là trên 11 triệu đồng được mua nhà nhà ở xã hội dù số tiền thuế này chỉ rất ít. Điều này còn thể hiện việc Nhà nước khuyến khích người có đóng góp nghĩa vụ thuế với xã hội được tạo điều kiện có cuộc sống tốt hơn bằng cách bán nhà ưu tiên cho họ... Và đó cũng là cách khuyến khích người phấn đấu để có thu nhập cao, được tham gia đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo tôi, người được mua nhà qua hướng dẫn hiện nay có hàng chục đối tượng, nên chăng cũng nhắm đến các đôi vợ chồng trẻ có 2 con. Họ là đối tượng thực sự khó khăn vì với gia đình đã có 2 con đồng nghĩa gánh sẽ nặng hơn. Có thể coi đây như một chủ trương ủng hộ các gia đình trẻ sinh đủ 2 con vì điều này sẽ giúp xã hội cải thiện tình trạng mức sinh thấp đang có dấu hiệu bởi giới trẻ hiện nhiều người có tâm lý ngại đẻ. Điều này đặc biệt ý nghĩa cho tương lai đất nước.
Chính sách và quy định về chế độ đãi ngộ của Nhà nước ban hành đối với người lao động là điều luôn được toàn dân mong đợi và thực hiện công bằng nhất, khách quan nhất. Song, nó không phải là thứ bất biến mà luôn có những điều chỉnh sao cho hoàn thiện nhất. Xu hướng cũng khá rõ, kinh tế xã hội đi lên, tăng trưởng tốt phúc lợi xã hội cũng sẽ tăng theo.
Hy vọng chế độ lương mới vừa được cải thiện cùng với những thay đổi phù hợp trong chính sách về nhà ở xã hội sẽ đem đến làn gió tích cực và trong lành tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của người lao động, từ đó giúp Đảng và Nhà nước ta thực hiện được đến cùng mục tiêu đề ra, đó là không bỏ lại ai ở phía sau.