Khương Tử Nha được người đời xưng tụng là Bách gia chi tổ (ông tổ của mọi lĩnh vực), là người giúp Chu Vũ vương tiêu diệt Trụ vương vô đạo.
Chuyện Khương Tử Nha hội quân 800 nước chư hầu tại bến Mạnh Tân và thống lĩnh quân đội của họ đánh bại nhà Trụ, lập ra nhà Chu kéo dài 800 năm trong lịch sử Trung Quốc là một điển tích nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Đến thời Tần – Hán, Trương Lương, một đại công thần của nhà Hán cũng làm được điều tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn. Trong bối cảnh giữa các nước đang có sự mâu thuẫn và chỉ chú trọng lợi ích cá nhân, Trương Lương đã một tay giúp Lưu Bang tập hợp lại binh mã của toàn thiên hạ để chiến đấu với quân đội của Hạng Vũ .
Theo sử ký Tư Mã Thiên, năm 203 TCN, Hàn Tín phá nước Tề, muốn tự lập làm Tề vương. Sự việc này đã đẩy mâu thuẫn giữa Lưu Bang và Hàn Tín lên cao. Trước đó, đã có hàng loạt bất hòa, nghi kỵ xảy ra giữa vua tôi Lưu Bang – Hàn Tín. Điển hình là việc Hán vương Lưu Bang bị quân của Hạng Vũ vây khốn ở thành Huỳnh Dương. Trong khi đó, đội quân chủ lực của Lưu Bang giao cho Hàn Tín dẫn đi đánh nước Tề lại không về ứng cứu. Tình thế nguy hiểm buộc Lưu Bang phải để Kỷ Tín giả dạng mình chết thay, đánh lừa Hạng Vũ để trốn thoát ra ngoài.
Lưu Bang chạy trốn thẳng đến nơi Hàn Tín đóng quân. Nhân lúc Hàn Tín đang ngủ say, Lưu Bang lén thu lại ấn tín nguyên soái của Hàn Tín và toan trị tội Hàn Tín. Nhờ có Trương Lương khuyên giải, Hàn Tín mới được phục chức.
Hàn Tín sau đó vẫn quyết đánh lấy nước Tề, không chịu bãi binh. Ông bỏ mặc cho sứ giả Lịch Sinh (một vị quan mà Lưu Bang rất tín nhiệm) bị Tề vương cho vào vạc luộc chín, do trước đó Lịch Sinh đã nhận lệnh Lưu Bang thuyết phục nước Tề đầu hàng. Sau khi lấy xong nước Tề, Hàn Tín lại đòi hỏi Lưu Bang phải khen thường và phong cho mình làm Tề vương, điều này khiến cho Lưu Bang vô cùng tức giận.
Để hóa giải sự mâu thuẫn này và khiến cho Hàn Tín chịu đem quân đến giúp mình, Lưu Bang chỉ còn cách dựa vào Trương Lương. Vốn là người sẵn có tư tưởng thống nhất thiên hạ về một mối, nhưng Trương Lương vẫn bày kế cho Lưu Bang dùng của cải, đất đai để phong thưởng thật nhiều cho các chư hầu nhằm lôi kéo họ góp sức.
Đặc biệt là đối với Hàn Tín, để xóa bỏ hiềm khích cũ, Trương Lương soạn chiếu thư phong thưởng cho Hàn Tín hậu hĩnh nhất. Ông tự thân đến gặp Hàn Tín, thuyết phục Hàn Tín đem quân của mình giúp Lưu Bang đánh trận quyết chiến cuối cùng. Trương Lương nói:
- Hiện nay Bá vương thế cô, sức yếu, Chúa thượng (Lưu Bang) hối hận việc cắt Hồng Câu giao ước, nên đã cùng Sở giao binh. Vừa rồi, Chúa thượng đốt kho lương thực của Sở, khiến cho quân Sở phải giải binh, kéo về Bành Thành. Tôi tưởng lúc này Nguyên Soái (tức Hàn Tín) cũng nên đem quân đến hội với Chúa thượng, ra công diệt Sở, định thiên hạ, để cùng nhau chung hưởng thái bình. Sở có chết thì ngôi của Nguyên soái mới vững chắc.
Lời dụ của Trương Lương đã khiến cho Hàn Tín thay đổi hẳn suy nghĩ chống đối lại Lưu Bang. Cho thấy Hạng Vũ mới là kẻ thâm thù với Hàn Tín nhất, đe dọa trực tiếp đến ngôi vị Tề vương của Hàn Tín. Mặt khác, Hàn tín vốn cũng muốn báo thù Hạng Vũ ngày trước nhiều lần làm nhục, coi thường tài trí của mình, nên quyết tâm hội quân đánh Sở.
Ở đây cũng phải nhắc đến uy tín của Trương Lương với riêng Hàn Tín. Ông là người đã dẫn dắt Hàn Tín đến với Lưu Bang, tiến cử Hàn Tín làm nguyên soái trong khi ai cũng coi thường xuất thân của Hàn Tín. Ông cũng bày kế giúp cho Hàn Tín trốn thoát khỏi Hạng Vũ, tặng cho Hàn Tín bảo kiếm nguyên nhung, lại trao cho Hàn Tín bức địa đồ vẽ con đường bí mật, để Hàn Tín dẫn quân đánh lén Trung Nguyên.
Cho dù trước đây, đã có nhiều người khuyên Hàn Tín nên phản bội lại Lưu Bang nhưng lời nói của Trương Lương lại được Hàn Tín rất tôn trọng, Có thể nói, Hàn Tín thà phụ Lưu Bang chứ không nỡ phụ Trương Lương.
Trương Lương cũng tự thân hành đến gặp các vua các nước chư hầu lớn khác như Bành Việt, Anh Bố, hứa sẽ phong thưởng thật nhiều cho họ và thuyết phục họ đem quân đến hội cùng với Lưu Bang. Mặc dù trước đó, Bành Việt và Anh Bố đã hẹn nhưng không tới hội quân làm cho Lưu Bang bị thất thế và phải hòa giải với Hạng Vũ.
Trương Lương đi thuyết khách một vòng thiên hạ, khi trở về với Lưu Bang thì chỉ cách vài ngày sau, binh mã các nơi đều lục tục kéo đến, hội quân không sót một người. Hàn Tín kiểm điểm quân mã, ghi nhận như sau: Quân Yên vương 15 vạn, quân Anh Bố 5 vạn, quân Bành Việt 5 vạn, quân nước Ngụy 20 vạn, quân Tiêu Hà 16 vạn, quân của Hán vương 20 vạn, quân của Hàn Tín 15 vạn…
Tổng cộng cả thảy hơn 100 vạn. Các danh tướng hơn tám trăm viên, các đại thần mưu sĩ hơn năm mươi người. Từ Thành Cao đến Huỳnh Dương (nơi Lưu Bang hội quân) một dải đường dài mấy trăm dặm đều là quân Hán.
Lưu Bang thấy không tốn chút sức mà phút chốc được nhiều quân như vậy, không giấu được mừng rỡ, vô cùng khâm phục tài năng của Trương Lương, nói: “Nếu không nhờ Tiên sinh (Trương Lương) đi chuyến này thì ba tướng ấy (chỉ Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt) đâu có hăng hái chịu giúp ta”. Điều này đã thể hiện uy tín cá nhân của Trương Lương lớn thế nào. Nhờ có quân số áp đảo, Lưu Bang mới có thể bao vây chặt chẽ và tiêu diệt Hạng Vũ sau này.
Có thể nói bằng tài trí và uy tín cá nhân, Trương Lương không những hóa giải sự bất hòa giữa các nước, mà còn tập hợp được một trong những đội quân đông đảo nhất trong lịch sử Trung Quốc về dưới trướng theo sự điều khiển của Lưu Bang.
Đây kỳ tích của riêng cá nhân ông, cũng là một sự kiện tổng huy động quân đội lớn chưa từng thấy trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Theo xếp hạng 10 nhân vật lịch sử thông minh nhất Trung Quốc của tờ Shohu – tờ báo điện tử nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, Trương Lương được xếp ở vị trí thứ ba, đứng cao hơn cả Khổng Minh Gia Cát Lượng và Lưu Bá Ôn, hai vị quân sư nổi tiếng khác của Trung Quốc.