Bảng viên của nhân viên thư viện trường học hiện hành căn cứ Điều 9 Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL. Cụ thể:
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Như vậy, với hệ số lương này, bảng lương mới nhân viên thư viện trường học hạng I từ 1/7/2024 sẽ từ 13.455.000 đồng tới 17.667.000 đồng; Nhân viên thư viện hạng II từ 9.360.000 đồng tới 14.929.200 đồng; Nhân viên thư viện hạng III từ 5.475.600 đồng tới 11.653.200 đồng; Nhân viên thư viện hạng IV từ 4.352.400 đồng tới 9.500.400 đồng.
Với mức lương này, nhân viên thư viện trường học sẽ tăng cao nhất lên tới 4.077.000 đồng so với mức lương cũ.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 35.100 nhân viên thư viện. Nhân viên thư viện mới được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được xếp lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một nhân viên thư viện ở Hà Nội bày tỏ: "Đến nay tôi đã có thâm niên 13 năm trong nghề. Công việc của tôi là quản lý thư viện, cho giáo viên, học sinh mượn trả sách và làm việc tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2-6. Sau khi tăng lương cơ sở tôi cũng được tăng thêm thu nhập vì vậy tôi cũng như nhiều nhân viên trường học được yên tâm công tác".
Đây cũng là niềm vui của nhiều nhân viên thư viện trường học trên cả nước vì nhiều nhân viên thư viện cũng thực hiện tiết đọc thư viện, cũng lên lớp, cũng soạn giảng như một giáo viên nhưng vị trí việc làm là nhân viên và không hưởng được bất cứ phụ cấp nào ngoài lương.
Dù vậy, cô Nguyễn Thị Ngọc Hường, nhân viên thư viện Trường THCS Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cho rằng, phần lớn đội ngũ nhân viên trường học hưởng phụ cấp thấp hoặc không có, chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên lương cơ sở tăng thì tổng thu nhập cũng tăng không đáng kể. Điều này tạo sự bất công giữa những người làm việc trong cùng một môi trường.
Nhân viên thư viện trong cả nước nhiều lần đề xuất cơ quan quản lý chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức làm công tác thư viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có một số địa phương thực hiện. Ngoài ra, đội ngũ này cũng đề xuất bổ sung chế độ tiền lương kiêm nhiệm đối với viên chức thư viện kiêm nhiệm thêm các công việc độc lập khác theo định mức biên chế vị trí việc làm đang còn thiếu ở đơn vị.
"Yêu cầu công việc lớn, áp lực ngày một nhiều nhưng nhiều nhân viên thư viện trên 15 năm công tác mà tiền lương chỉ dao động từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, ngoài giờ làm việc, họ làm thêm nhiều việc như bán hàng online, đồ thủ công, bán chè, phụ hồ, bán và cung cấp văn phòng phẩm... để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Chúng tôi mong được các cấp cho xét thăng hạng chức danh thư viện viên hạng III, hạng II", cô Hường kiến nghị.
Bên cạnh đó, không phải trường học nào cũng có điều kiện để tuyển nhân viên thư viện. Một hiệu trưởng ở Hòa Bình cho hay: "Chúng tôi rất mong muốn có nhân viên thư viện chuyên trách để quản lý và nhất là hiện nay bậc tiểu học có tiết dạy thư viện. Hiện tại rất ít trường có nhân viên thư viện mà chỉ có giáo viên chuyên trách. Nếu có là do trường thừa giáo viên nên các cô vừa dạy học vừa làm nhân viên thư viện để được hưởng thêm tiền đứng lớp, đảm bảo thu nhập".